Tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh

Ngày 20/8, Báo Tiền Phong phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình tổ chức Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho giáo viên, học sinh với sự tham gia của gần 150 giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn quận.

Tại Hội nghị, các thầy cô giáo cùng các học sinh đã được chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích như: Hiện trạng, chính sách quản lý rác thải sinh hoạt; kinh nghiệm, giải pháp giảm rác từ quốc tế tới Việt Nam; lộ trình phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội.

Cùng đó, các thầy cô giáo cùng các học sinh cũng được thực hành phân loại rác tại nguồn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhiều trò chơi thú vị, bổ ích như game rung chuông vàng, trò chơi đi tìm sứ giả xanh xen lẫn các bài giảng, giúp các nội dung được trình bày dễ hiểu, sinh động.

Học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Ban Tổ chức kỳ vọng Hội nghị sẽ giúp các thầy cô và học sinh được trang bị kỹ năng phân loại rác tại nguồn, từ đó chia sẻ, lan tỏa hành động hữu ích này trong nhà trường, gia đình và cộng đồng dân cư, góp sức chung vào lộ trình triển khai phân loại rác tại nguồn của thành phố Hà Nội, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan của Thủ đô.

Sau Hội nghị, Báo Tiền Phong sẽ tặng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình 24 thùng rác ba ngăn nhằm thí điểm thực hiện phân loại tại nguồn theo quy định mới ở hai trường học trên địa bàn, nối dài hành trình từ lý thuyết đến thực hành.

Theo quy định Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất ngày 31/12/2024, các địa phương chính thức thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tại Hà Nội, số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho thấy, mỗi ngày, Thành phố có khoảng 7.000 - 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi người thải ra 0,8kg/ngày. Trong đó, gần 62% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt rác phát điện, còn lại là xử lý chôn lấp hợp vệ sinh.

Hà Nội đang thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 6 quận gồm Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm và Hoàng Mai, tiến tới việc triển khai nhân rộng tại 30 quận, huyện, thị xã từ 1/1/2025 theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, nhà báo Phùng Công Sưởng (Tổng Biên tập Báo Tiền Phong) cho biết, phân loại rác tại nguồn mang lại những hiệu quả vô cùng to lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra việc phân loại giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, tái sử dụng. Từ đó, giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc đốt, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60 - 75% lượng rác là rác thực phẩm, giảm 15 - 20% lượng rác là rác tái chế, chỉ còn khoảng 25 - 30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy, mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người.

Ông Nguyễn Như Tùng (Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình) chia sẻ, những năm qua, Phòng GD&ĐT quận luôn quan tâm tới công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho toàn thể giáo viên, học sinh trên địa bàn. Phòng GD&ĐT quận thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên và nhân viên nhà trường về chủ đề bảo vệ môi trường, tích cực phối hợp với các trường đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy, bao gồm các bài học, dự án và hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo vệ môi trường.

Nhiều chiến dịch và cuộc thi về bảo vệ môi trường đã được các nhà trường trong quận tổ chức như thi đua phân loại rác, thiết kế tranh ảnh tuyên truyền hoặc viết bài luận về môi trường. Một số trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như dọn dẹp môi trường, trồng cây, tham quan các cơ sở xử lý rác thải.

Về phân loại rác tại nguồn, Phòng GD&ĐT quận đã phối hợp với các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp thùng rác phân loại và công cụ hỗ trợ khác cho các trường học. Việc phân loại rác đã được thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn. Phòng GD&ĐT quận cũng đề nghị các trường tăng cường truyền thông bảo vệ môi trường thông qua các kênh truyền thông như website trường, bảng tin, các phương tiện truyền thông xã hội.

Cụ thể, trong năm học 2023 - 2024, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện nhiều nội dung về bảo vệ môi trường. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên của các thầy cô giáo cùng em học sinh, hình thành nên những thói quen tốt, hành động đẹp, góp phần xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

“Sau Hội nghị, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn theo quy định mới, đảm bảo sẵn sàng khi thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn quận. Chúng tôi cũng tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục tình yêu môi trường đến đông đảo các thầy cô và học sinh trên địa bàn quận, nhằm hướng tới xây dựng một thế hệ học sinh Ba Đình văn minh, yêu môi trường, yêu thiên nhiên”, ông Nguyễn Như Tùng chia sẻ.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tap-huan-phan-loai-rac-tai-nguon-cho-giao-vien-hoc-sinh-175660.html