Tập huấn về 'bình dân học vụ số' cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong các ngày từ 7 đến 9-5, Sở Dân tộc và tôn giáo tổ chức hội nghị tập huấn cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2025.

Một trong những hoạt động tại hội nghị là tập huấn chuyên đề về Bình dân học vụ số. Qua đó, từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Võ Hoàng Khai báo cáo chuyên đề về "Bình dân học vụ số" tại hội nghị. Ảnh: CTV

Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Võ Hoàng Khai báo cáo chuyên đề về "Bình dân học vụ số" tại hội nghị. Ảnh: CTV

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên là đại diện Sở Khoa học và công nghệ trình bày chuyên đề “Bình dân học vụ số”, tập trung vào các nội dung như: giới thiệu các tiện ích nổi bật về ứng dụng VNeID trên điện thoại; tích hợp một số loại giấy tờ cơ bản trên VNeID sử dụng thay giấy tờ truyền thống; cài đặt và sử dụng ứng dụng ngân hàng trong giao dịch điện tử…

Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Võ Hoàng Khai nhấn mạnh, phong trào Bình dân học vụ số sẽ phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt tập trung vào những nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phong trào này tại Đồng Nai sẽ được triển khai đồng bộ với các nội dung liên quan.

Trong đó, tỉnh sẽ tổ chức các lớp học, các khóa đào tạo cơ bản về kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, truy cập và khai thác dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, bảo vệ thông tin cá nhân… Các lớp học này được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng.

Các đơn vị liên quan sẽ xây dựng bộ tài liệu phổ cập số theo hướng “học một lần - dùng cả đời”, phù hợp với trình độ học vấn, ngôn ngữ, văn hóa của từng nhóm đối tượng - đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, nông dân, công nhân, người yếu thế.

Qua đó, phát huy vai trò của lực lượng cốt cán cơ sở, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, làm “hạt nhân” lan tỏa tri thức số, hướng dẫn thực hành chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân…

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202505/tap-huan-ve-binh-dan-hoc-vu-so-cho-nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-6ef1e7e/