Tập huấn về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong tình hình mới

Ngày 22/8, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.

Các đại biểu dự hội nghị tập huấn.

Các đại biểu dự hội nghị tập huấn.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Cùng dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Qua 15 năm triển khai Nghị quyết số 23 - NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", đời sống văn học, nghệ thuật nước ta đã diễn ra sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực, đáng trân trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, ở một số tỉnh, thành phố, lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít hạn chế ở các khía cạnh khác nhau của đời sống văn học, nghệ thuật.

Đồng chí PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị.

Từ thực tiễn đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn với chủ đề "Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới", dành cho các học viên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương; các đồng chí làm công tác quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật; đội ngũ làm nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, giảng viên các trường đại học về văn học, nghệ thuật.

Hội nghị tập huấn giúp các học viên củng cố, nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước; kết quả và những vấn đề đặt ra qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X); nắm bắt đầy đủ và sâu sắc hơn thực tiễn đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật, tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay... Trên cơ sở đó trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm xử lý một số vấn đề nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn bày tỏ phấn khởi khi Ninh Bình là địa phương được chọn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử, cách đây trên 30 ngàn năm. Vì vậy, đã sáng tạo nên nền văn hóa giàu bản sắc, hình thành giá trị lịch sử, văn hóa và diện mạo vùng đất Ninh Bình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội nghị.

Ninh Bình là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, từ thế kỷ X là nơi Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp, thống nhất giang sơn, xưng hoàng đế, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, lấy Hoa Lư làm kinh đô. Với hai triều đại Đinh, Tiền Lê, Ninh Bình đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Ninh Bình cũng được nhắc tới là vùng đất hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, non nước hữu tình hòa quyện với di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đây cũng là trung tâm tôn giáo lớn của cả nước, với những nét kiến trúc độc đáo, cái nôi hình thành nghệ thuật hát chèo, hát xẩm. Tất cả đã hình thành nên bản sắc văn hóa Ninh Bình với con người mến khách, thân thiện, tạo nên sức hút riêng, khởi tạo niềm đam mê sáng tác văn học, nghệ thuật.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn xác định lấy phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện nhất quán, hiệu quả định hướng phát triển "Xanh và bền vững", lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. Đặc biệt khai thác tiềm năng tự nhiên, truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, từng bước định dạng bản sắc văn hóa Ninh Bình, tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa du lịch Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh cũng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và các đơn vị hoạt động văn học, nghệ thuật, kịp thời rà soát, bổ sung và xây dựng chế độ, chính sách đối với văn nghệ sỹ và hoạt động văn học, nghệ thuật. Trong giai đoạn 2021-2025, chi đầu tư cho các công trình, dự án văn hóa chiếm 20% tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, đạt mức cao trong cả nước.

Đến nay, Ninh Bình đã có 1 tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 1 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, 10 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, 8 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Tỉnh cũng quan tâm trùng tu, bảo tồn, phát huy các di tích, phát triển mạnh mẽ các loại hình nghệ thuật truyền thống, hoạt động nghệ thuật quần chúng, góp phần quan trọng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật của nhân dân, giới thiệu, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên, bề dày truyền thống văn hóa tốt đẹp, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới bạn bè trong và ngoài nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn tổ chức hội nghị tập huấn tại Ninh Bình. Đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, các nhà báo, nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước, tăng cường sáng tác nhiều hơn nữa các tác phẩm viết về vùng đất, con người Ninh Bình, góp phần vào sự phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh; quảng bá về vùng đất, con người Ninh Bình, đưa tỉnh thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, mến khách, thực sự là trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế.

Tham gia hội nghị tập huấn, trong thời gian từ ngày 22 - 25/8, các đại biểu, học viên được nghe giảng viên trình bày các chuyên đề: Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị; Từ nhân vật trung tâm trong văn học hiện nay đến vấn đề trung tâm của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới; Lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp, đạo đức cách mạng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: thực trạng và yêu cầu phát triển; Công nghiệp văn hóa và vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa… Đây là những yêu cầu cơ bản, cần thiết, góp phần nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, tư vấn, quản lý công tác văn học, nghệ thuật; đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong văn học, nghệ thuật, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới...

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tap-huan-ve-doi-moi-noi-dung-phuong-thuc-lanh-dao-quan-ly/d2023082213573969.htm