Tập sách giàu sử liệu về nhà văn, nhà thơ nổi tiếng
Hiếm có cuốn sách nào lại đầy đủ tư liệu về các nhà văn nước ta thời chống Pháp, chống Mỹ như cuốn: 'Nhà văn và chữ Tình gởi lại' (NXB Hội Nhà văn - 2022) của GS.TS nhà văn Trình Quang Phú.
Với gần 300 trang in (khổ 14x20), cuốn sách là bức tranh toàn cảnh tập hợp hầu hết các gương mặt nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ - những người đã góp phần đặc biệt tạo nên diện mạo nền văn học cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Gần như 100% câu chuyện về các nhà văn nổi tiếng giới thiệu trong sách, tác giả Trình Quang Phú là người trong cuộc. Là nhân vật trong câu chuyện nên điển tích về các nhà văn gắn liền với các dấu ấn nổi tiếng có tính chân thực cao. Nhiều câu chuyện về các điển tích ấy bấy lâu nay lưu truyền dị bản, nay đọc lại cho ta "đáp số" chuẩn xác, thuyết phục hơn.
Đó là sự tích 2 câu ca dao để đời của nhà thơ Bảo Định Giang: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Đó là sự tích bài thơ "Trên bãi biển Trà Cổ" Xuân Diệu viết đêm 5-9-1963 tặng Trình Quang Phú mà ông vinh dự được giao làm "trưởng đoàn" hướng dẫn các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất nước đi thực tế ở Hải Phòng.
Chuyến đi lịch sử ấy, Trình Quang Phú có dịp trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt văn hóa với 25 nhà văn, trong đó có nhiều cây đại thụ của làng văn nước nhà như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Vân Đài, Hằng Phương, Anh Thơ… và các tên tuổi: Nguyễn Kiên, Mai Ngữ, Trần Thanh Địch, Nguyễn Hải Trừng, Xuân Hoàng, Xuân Tửu, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Viết Lãm, Phan Xuân Hạt, Cẩm Lai, Phan Huỳnh Điểu… Đó là chất liệu quý hơn vàng để Trình Quang Phú cung cấp cho bạn đọc trong "Nhà văn và chữ Tình gởi lại".
Ra đi làm cách mạng từ quê hương Phú Yên giàu đẹp và nên thơ, Trình Quang Phú dành những trang viết ắp đầy nghĩa tình với các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ từ quê hương Phú Yên. Với tư cách là người trong cuộc, Trình Quang Phú kể về sự tích bài thơ đi cùng năm tháng của Nguyễn Mỹ "Cuộc chia ly màu đỏ". Cùng sinh ra trên đất Tuy An, cùng tập kết ra Bắc, cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ Thống Nhất, Nguyễn Mỹ đã kể với tác giả về sự tích ra đời bài thơ.
Và, cả hai sung sướng như thế nào ngay buổi sinh hoạt đó (một tối thứ bảy năm 1965) nghệ sĩ ngâm thơ nổi tiếng Trần Thị Tuyết đã ngâm bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ". Câu chuyện về nhà văn Võ Hồng quê hương Tuy An cũng thế, Trình Quang Phú viết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông với sự trân trọng, biết ơn và tràn đầy niềm tự hào.
Bằng "Nhà văn và chữ Tình gởi lại", thêm một lần nữa chúng ta ghi nhận và cảm phục sức sáng tạo bền bỉ của nhà văn Trình Quang Phú. Trước hết, ông là một chiến sĩ, sau đó là một nhà báo, nhà văn, một nhiếp ảnh gia đã từng có mặt chứng kiến nhiều khoảnh khắc hiếm hoi của lịch sử.
Khi ông vinh dự được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch cùng đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam; lúc ông cùng Bộ trưởng Xuân Thủy và Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình tại hội nghị Paris năm 1973 và thoáng cái, ông đã đeo ba lô với chiếc gậy Trường Sơn có mặt ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt…
Hình như, biết sứ mệnh của mình là phải viết về các sự kiện lịch sử ấy, nên Trình Quang Phú ghi chép và lưu giữ rất nhiều tư liệu. Bạn đọc không thể không ngưỡng mộ Trình Quang Phú khi ông cho đăng trong tập sách giàu sử liệu này các bức ảnh, bút tích của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất nước mà đến nay nhiều người đã không còn.