Tập thể cũ
Có người đã nói là 'xưa', nhưng có người lại bảo 'mới chỉ là cũ', những khu nhà tập thể 'già nua' ở Hà Nội mà giờ người ta gọi tên chung cư cũ, luôn là nơi cất giữ bao câu chuyện ký ức một thời Hà thành gian khó, mà thân thương và giàu sẻ chia.
Nó là một góc nhớ thương của Hà Nội trong hành trình chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện đại hôm nay.
Nhà tập thể cho cán bộ, công nhân, viên chức nhiều, có những khu nhà mà tính đến nay đã ở độ tuổi ngót nghét ngũ tuần. Và những câu chuyện về nó thì lúc nào cũng “xôm” mà dường như chẳng bao giờ cạn.
Bởi đó là một phần của diện mạo Hà Nội, là nơi chốn gắn bó, chất chứa kỷ niệm của các thế hệ, là nguồn cảm hứng cho những sáng tác văn chương, hội họa, nhiếp ảnh… muôn màu. Nhiều nhiếp ảnh gia đã chớp được những khoảnh khắc ấn tượng về những mảng tường rêu phong đẫm ký ức; họa sĩ Phạm Ánh, họa sĩ Nam Long cũng đã ngẫu hứng trên toan và cọ vì những nhớ thương, những hồi ức còn lưu luyến nơi đây.
Cho dù “cơn lốc” nhà chung cư đã chen chân vào đời sống đô thị dễ đến hơn 30 năm nay, có những dãy nhà tập thể đã được thay thế bằng chung cư hiện đại, nhưng nhà tập thể vẫn chưa “mất dấu” nơi Hà thành buổi đô thị hóa.
Những khu Kim Liên, Giảng Võ, Nghĩa Tân, Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ vẫn được nhắc đến với bao dấu hỏi đang chờ lời giải trong bài toán quy hoạch. Những dãy nhà tập thể của cơ quan với kiến trúc năm nào, cách thức năm nao vẫn lọt thỏm trong khu dân cư, giữa những tòa nhà chung cư mới.
Lại có cả những dãy nhà tập thể năm nào, sau những mở đường, cải tạo… đã thành nhà mặt phố, với sự lột xác ngoạn mục mà nếu nhìn ở tầm thấp không còn dấu hiệu nào của khung nhà bê tông lắp ghép, quét vôi vàng ngày nào. Chẳng đâu xa lạ, những dãy nhà trên phố Giảng Võ, Trần Huy Liệu, Vạn Phúc, Huỳnh Thúc Kháng… đấy thôi!
Đời sống buổi kinh tế thị trường khấm khá lên, không ít chủ nhân của những căn nhà tập thể đã rời xa nơi chốn cũ để về nhà đất rộng rãi hay chuyển lên chung cư hiện đại. Nhà tập thể cũ có thể được nhượng lại cho những cặp vợ chồng trẻ mới về Hà Nội ngụ cư, hay những người tỉnh lẻ lên TP làm ăn, dấn vốn mới chỉ “hòm hòm” mua căn hộ nhỏ này vừa để ở bán hàng, vừa đón con cái lên học…
Thế là những người hàng xóm bịn rịn chia tay nhau, để lại cả một vùng trời kỷ niệm với những nuôi lợn trong bếp, than tổ ong và những ngày Hè oi ả trẻ con cả khu trốn nắng đi bắt ve. Hồi ấy, những dãy nhà quét vôi vàng sát cạnh nhau, có khu theo chữ, theo số nhưng vẫn không ken đặc như bây giờ; có sân chơi hẳn hoi, có cây cối cũng được trồng từ thuở đó, nhiều nhất là xà cừ. Những đứa trẻ đi bêu nắng ngày ấy giờ đã là đám trung niên tóc muối tiêu, xà cừ cũng đã thành cổ thụ, những hành lang trống hoác đã được hàn chuồng cọp từ lâu và những nhà cơi nới cũng đã chồng lên nhau từ độ nào…
Tập thể cũ đã thuộc về ký ức, thuộc về những đời chủ nhân mới, nhưng cũng có những người già chẳng chịu đi đâu, cứ “bám trụ” ở đây vì đã quen chợ búa, bạn bè, quen căn hộ với nội thất phù hợp với cách sống của mình.
Nhưng cũng có những căn hộ vẫn chuồng cọp, vẫn hành lang 5 nhà rẽ tay trái, 5 nhà rẽ tay phải, mà sau khuôn cửa gỗ là thế giới mới - thế giới của một phong cách kiến trúc chủ nhân lựa chọn. Khó hình dung ra nó vẫn “ăn nước” từ cái bể đậy nắp tôn, có ổ khóa dưới tầng 1, chi chít đường ống dẫn lên, cạnh đó là cây cột điện nặng trĩu dây dợ. Nó cũng khác xa với cái khung bê tông và những bức tường tróc lở hay chi chít quảng cáo có thâm niên bao năm tháng.
Nhịp sống nơi những khu tập thể cũ cũng mang nhịp phách riêng của nó. Mặc kệ sự cũ kỹ, có phần nhếch nhác, nơi ấy vẫn âm thầm bắt kịp xu hướng của người TP. Từ lâu, cánh làm văn phòng, cánh hay quà vặt đã ghi vào trí nhớ khu Kim Liên, Giảng Võ, Nguyên Hồng, Nghĩa Tân…
Mùa nào thức nấy, nào chè cháo, bún phở, ốc cay, ốc xào, trứng cút xào me, trứng vịt lộn, quẩy nóng, bánh đúc nóng… đến chè khúc bạch, cà phê muối… không thiếu thứ gì ở những căn hộ tầng 1, những sân sướng liên khu ấy. Đồ ăn giữ chân khách từ hồi lan truyền nhau bằng chuyện phiếm mấy mươi năm trước. Giờ thì cánh trẻ “rì - viu” (review) nhanh như gió, cùng hệ thống shipper hoạt động miệt mài nên hệ thống quà vặt ở những khu tập thể cũ này đã trở thành một phần linh hồn của phố xá Hà Nội.
Cứ lê la một buổi chiều mùa Đông với bánh đúc nóng Thành Công, hay cháo trai Huế cũng khu ấy, rồi lại tạt sang hàng ốc xào me ngay cạnh… thì thể nào cũng phải có lần trở lại, kéo theo những người bạn. Khéo chọn thì kể cả đám sành ăn cũng khó có thể chê được hương vị hay cung cách phục vụ của những quán hàng giản dị này…
Cũng với dư âm hoài cổ, những khu nhà tập thể cũ lại đến với mọi người trong xúc cảm mới. Chủ nhân những khu nhà trong ngõ hay gần chợ, nếu tầng 1 vẫn cho thuê đắt như tôm tươi, thì nhà tầng trên hoa giấy hoa cúc vẫn vươn ra ngoài chuồng cọp đón nắng. Nhưng những khu nhà có lối rẽ đẹp, tiện lợi thì bối cảnh này thật tuyệt cho bao tay chơi ảnh. Cánh trẻ mê lối vintage sẽ lập tức diện một bộ cánh thập niên “ơ kìa”, chọn bức tường vàng tróc lở kia để có một sêri ảnh ấn tượng. Đương nhiên là những quán cà phê phong cách này, bài trí đồ thời bao cấp cũng len vào đúng một căn hộ của khu này, khu kia.
Khi thì cả khu nối nhau A, B, C, D, khi thì từ A1 đến A8, từ D1 đến D10, lúc lại nhỏ lẻ lẫn trong những dãy nhà riêng, có khi lại “lùn tịt” cạnh 1 chung cư hiện đại mới xây sáng bóng, nhưng tập thể cũ vẫn mộc mạc và rộn ràng theo cách của nó. Rất lâu có một khu bà con lục đục chuyển đi để chuẩn bị xây mới, người ta lại nhắc nhớ, hỏi nhau rằng: tòa mới bao nhiêu tầng? Chủ cũ đóng góp thế nào? Có suất ở đây không?...
Ký ức đẹp như một bài ca vậy, nhưng ai cũng hiểu cải tạo chung cư cũ là vấn đề quan trọng đối với quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị tại các TP trực thuộc Trung ương, đặc biệt là Hà Nội.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội đã “đếm được” trên địa bàn TP có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận nội đô lịch sử. Các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và độ an toàn cho người dân.
Kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025, cải tạo 10 khu tập thể, chung cư cũ có mức độ nguy hiểm cấp độ D, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn vướng, mới chỉ dừng lại ở chủ trương chấp thuận đầu tư. Vậy là Hà Nội sau hơn 30 năm đặt ra vấn đề cải tạo chung cư cũ, mới chỉ 1,2% trong tổng số hơn 1.579 chung cư, tập thể cũ được cải tạo… Đấy là một câu hỏi lớn cho Hà Nội trong nỗ lực tái thiết đô thị, xây dựng TP thông minh, TP sáng tạo - nền tảng của Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại” trong tương lai.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tap-the-cu.html