Tập trận ASEAN-Mỹ khác gì tập trận ASEAN-Trung Quốc?

Các cuộc tập trận hàng hải chung ASEAN-Mỹ và ASEAN-Trung Quốc khác nhau cả về bản chất và thực tế tập trận.

Cuối tuần trước, các nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vừa kết thúc cuộc trập trận hàng hải chung đầu tiên với Mỹ.

Cuộc tập trận diễn ra ở Vịnh Thái Lan trong năm ngày với sự tham gia của 1.260 binh sĩ, tám tàu chiến, bốn máy bay. Hai nước dẫn đầu cuộc tập trận là Mỹ và Thái Lan, các nước khác cùng tham gia là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Việt Nam.

Mỹ đã triển khai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer trang bị tên lửa dẫn đường; tàu tuần duyên USS Montgomery; máy bay tuần tra trên biển thế hệ mới P-8 Poseidon có khả năng tác chiến chống ngầm (ASW), chống hạm, tình báo, giám sát và trinh sát; ba trực thăng hàng hải MH-60 tham gia cuộc tập trận này.

Cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Mỹ kết thúc ngày 6-9 là lần tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và 10 nước ASEAN. Ảnh: AP

Cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Mỹ kết thúc ngày 6-9 là lần tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và 10 nước ASEAN. Ảnh: AP

Với cuộc tập trận này, 10 nước ASEAN hiện diện quân sự cùng lúc ở biển Đông - vùng biển đang có tranh chấp giữa nhiều thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Thực ra không chỉ với Mỹ, ASEAN cũng có tập trận hàng hải chung với Trung Quốc. Từ năm 2018 đến giờ, Trung Quốc thực hiện ít nhất 3 cuộc tập trận hàng hải chung với ASEAN. Tháng 7-2018, một số nước ASEAN và Trung Quốc có cuộc tập trận hàng hải ở căn cứ hải quân Changi (Singapore). Tháng 10-2018, sáu nước ASEAN và Trung Quốc tập trận hàng hải chung ở vùng biển TP Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cuộc tập trận kéo dài một tuần, tập trung vào việc nâng cao khả năng đối phó các an ninh phi truyền thống.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là cuộc tập trận hàng hải chung mới nhất giữa ASEAN và Trung Quốc diễn ra hồi tháng 4 năm nay, ở Thanh Đảo (Trung Quốc). Trung Quốc đưa 1.200 binh sĩ tham gia cuộc tập trận này.

Khác cả về bản chất và thực tế tập trận

Báo Express (Anh) dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích nhận định cuộc tập trận hàng hải chung ASEAN-Mỹ khá tương đồng với các cuộc tập trận ASEAN-Trung Quốc từ năm ngoái đến nay.

Nói với báo SCMP, nhà phân tích Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore) nhận định các mục tiêu chính của cả hai cuộc tập trận đều là nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như tăng các kỹ năng cần thiết đối phó với các đe dọa an ninh hàng hải có thể xảy ra.

Từ năm 2018 đến giờ Trung Quốc thực hiện ít nhất ba cuộc tập trận hàng hải chung với ASEAN. Ảnh: SCMP

Từ năm 2018 đến giờ Trung Quốc thực hiện ít nhất ba cuộc tập trận hàng hải chung với ASEAN. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định các cuộc tập trận hàng hải chung ASEAN-Mỹ và ASEAN-Trung Quốc khác nhau cả về bản chất và thực tế tập trận.

Theo nhà phân tích Chaturvedy, hai cuộc tập trận có những điểm khác nhau cơ bản. Theo ông, “cuộc tập trận hàng hải Trung Quốc-ASEAN khá hạn chế về phạm vi, bao gồm các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa”. Trong khi đó, “ngược lại, cuộc tập trận Mỹ-ASEAN nhằm tăng cường khả năng nhận thức tình huống và tăng cường sự tương tác, kết hợp”.

Chuẩn Đô đốc Joey Tynch tại Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng cuộc tập trận không chỉ là “biểu tượng” mà còn “mang lại giá trị cho mỗi nước” thông qua thúc đẩy tương tác và liên kết, tăng cường ngoại giao hàng hải và chia sẻ thông tin hàng hải giữa các nước.

Chuyên gia Richard Heydarian, giảng viên khoa học chính trị tại hai đại học Ateneo De Manila và De La Salle (Philippines) cho rằng việc Mỹ đưa một lượng lớn khí tài tham gia tập trận chung với ASEAN nhằm nhấn mạnh cam kết của mình với khu vực.

Ông Sean King - Phó Chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies (Mỹ) nhấn mạnh đến việc hai thành viên ASEAN – Philippines và Thái Lan – là các đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.

Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc bắt nạt hàng hải tại biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES

Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc bắt nạt hàng hải tại biển Đông. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong khi đó, “Bắc Kinh không có đồng minh chính thức nào trong khối ASEAN”. Chưa hết, theo ông King, mức độ sắp đặt hoạt động và trao đổi thông tin quân sự rất khác nhau trong hai cuộc tập trận chung Mỹ-ASEAN và Trung Quốc-ASEAN.

“Một điểm khác rõ ràng nữa là trong khi Trung Quốc quân sự hóa biển Đông thì các nước thành viên ASEAN biết Mỹ không có ý định nào với bất cứ khu vực biển nào mà các nước này tranh chấp” - theo ông King.

Tập trận với ASEAN giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc

Dù không có tranh chấp ở biển Đông nhưng Mỹ xem hoạt động của mình ở khu vực này như một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc mở rộng quân sự ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cả Mỹ và Trung Quốc đang cố hạn chế ảnh hưởng của nhau ở khu vực.

Với Mỹ, cuộc tập trận với ASEAN là bước kiểm soát ngoại giao hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt khi địa điểm tập trận phần lớn ở biển Đông.

Trong văn bản Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rõ Mỹ ưu tiên phát triển quan hệ với các đối tác chính ở ASEAN. Theo chuyên gia Heydarian, Mỹ tập trận hàng hải chung với ASEAN hoàn toàn nhằm huy động tối đa sự ủng hộ với các nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực.

Trước cuộc tập trận chung với toàn khối ASEAN này, trong những năm gần đây Mỹ cũng có nhiều cuộc tập trận song phương với các nước trong khu vực, như với Singapore và Philippines. Mỹ cũng từng tổ chức nhiều cuộc tập trận đa phương như Huấn luyện Hợp tác Đông Nam Á. Hồi tháng 5, Mỹ lần đầu tiên thực hiện cuộc tập trận hàng hải 4 bên với các đồng minh hiệp ước của mình – Philippines và Nhật – và với Ấn Độ.

Cùng với các cuộc tập trận, Mỹ cũng nhanh chóng mở rộng hợp tác hàng hải với Indonesia – một sức mạnh Đông Nam Á, nước đang phản đối Trung Quốc hiện diện ở quần đảo Natuna của mình.

ASEAN muốn cân bằng ngoại giao với Mỹ và với Trung Quốc

Các cuộc tập trận ASEAN-Mỹ và ASEAN-Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang muốn cân bằng ngoại giao giữa với Mỹ và với Trung Quốc, báo Express (Anh) dẫn nhận định nhiều chuyên gia.

ASEAN muốn cân bằng ảnh hưởng với Mỹ và với Trung Quốc. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ hai từ phải sang). Ảnh: GETTY IMAGES

ASEAN muốn cân bằng ảnh hưởng với Mỹ và với Trung Quốc. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ trái sang), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (thứ hai từ phải sang). Ảnh: GETTY IMAGES

Việc tăng cường gắn kết quân sự với Mỹ sẽ cho phép ASEAN tăng khả năng hoạt động ở biển Đông. Hơn nữa, điều này cũng sẽ giúp nhiều nước dễ dàng hoạt động cùng nhau tại vùng biển tranh chấp này.

Với các nước ASEAN, chuyên gia Heydarian cho rằng cuộc tập trận với Mỹ cũng là bước đi chiến lược. Đó có thể là nhằm phản đối việc Trung Quốc muốn thông qua một điều khoản có tính bất lợi cho ASEAN trong Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) mà hai bên đang thương lượng. Điều khoản này ngăn các ASEAN “tập trận quân sự chung với các nước bên ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan được thông báo trước đó và không có phản đối”.

Với ASEAN và cả Mỹ, cuộc tập trận cũng là một phần của nỗ lực thể chế hóa việc xây dựng niềm tin, xây dựng các biện pháp ngăn ngừa xung đột giữa các nước trong khu vực.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chuyen-gia/tap-tran-aseanmy-khac-gi-tap-tran-aseantrung-quoc-857253.html