Tập trung bảo vệ môi trường
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 17 (kỳ họp lệ cuối năm), ngày 06/12/2019, HĐND tỉnh Long An tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn và bế mạc kỳ họp.
Tại phiên chất vấn, có 3 nhóm vấn đề được bố trí trả lời trực tiếp liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT); bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân; tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân. Trong đó, công tác BVMT được các đại biểu (ĐB) tập trung chất vấn, truy vấn.
Xử lý rác còn nhiều bất cập
Theo ĐB Nguyễn Hữu Tuấn (đơn vị huyện Cần Giuộc), thời gian qua, tỉnh có nhiều cố gắng trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những khu vực giáp ranh TP.HCM phải đổ nhờ rác. Ông đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn tỉnh và giải pháp xử lý trong thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành thông tin, thời gian qua, sở có nhiều văn bản tham mưu UBND tỉnh về tăng cường quản lý chất thải rắn. Chất thải trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, dao động từ 570-590 tấn/ngày. Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn nào do UBND huyện đó chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý hoặc bãi rác tập trung. Hiện nay, Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận xử lý khoảng 250-260 tấn/ngày, bao gồm rác thải trên địa bàn TP.Tân An, các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa (trong đó, từ ngày 08/01/2019, huyện Thủ Thừa chuyển rác thải sinh hoạt về nhà máy Tâm Sinh Nghĩa với khối lượng khoảng 25-30 tấn/ngày); đơn giá xử lý 400.000 đồng/tấn.
Công ty CP Vietstar, huyện Củ Chi, TP.HCM tiếp nhận rác thải trên địa bàn huyện Đức Hòa khoảng 100-110 tấn/ngày, đơn giá xử lý 450.000 đồng/tấn. Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM tiếp nhận và xử lý rác trên địa bàn của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, một phần rác của huyện Bến Lức (40 tấn/ngày), tổng cộng khoảng 130 tấn/ngày, đơn giá xử lý 450.000 đồng/tấn. Huyện Tân Hưng (25 tấn/ngày), thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa (45-50 tấn/ngày) đã đầu tư lắp đặt lò đốt rác sinh hoạt. Huyện Vĩnh Hưng (khoảng 20 tấn/ngày) đổ tại bãi rác huyện. Hiện sở đang thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp xử lý bãi rác để sản xuất phân compost phục vụ nhu cầu của huyện. Huyện Đức Huệ đổ tại bãi rác tạm của huyện (20 tấn/ngày).
Để việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh được chủ động và BVMT, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp. Trước mắt, tiếp tục đề nghị UBND TP.HCM gia hạn xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc thu gom rác thải theo Chỉ thị số 09 của UBND tỉnh, bảo đảm việc thu gom đạt 100% tại các khu đô thị, thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung và các chợ. Đối với khu vực dân cư thưa thớt chưa có điều kiện thu gom rác thải thì thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng cách ủ phân compost hoặc đốt như huyện Cần Giuộc. Địa phương nào còn tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, rác thải đổ không đúng nơi quy định, gây mất vẻ mỹ quan và cử tri phản ánh, chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Theo kế hoạch, tất cả nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh phải sử dụng công nghệ đốt phát điện. Thời gian tới, ngành tham mưu xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt 250 tấn/ngày tại huyện Đức Huệ; huyện Cần Đước hoặc Cần Giuộc 1 nhà máy công suất 250 tấn/ngày; nâng công suất nhà máy Tâm Sinh Nghĩa lên 500 tấn/ngày; xây dựng 1 nhà máy tại huyện Vĩnh Hưng 100 tấn/ngày. Yêu cầu chủ đầu tư Khu Công nghệ Môi Trường Xanh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt công suất 1.000 tấn/ngày tại huyện Thủ Thừa. Tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư 1 nhà máy xử lý cạnh Công ty Tâm Sinh Nghĩa (đất công do huyện quản lý khoảng 7ha);...
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài chính tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành thu phí thu gom rác thải phải bảo đảm chi trả đủ việc thu gom, vận chuyển và tiến tới giảm dần việc hỗ trợ ngân sách để bù lỗ. Các địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phân loại rác tại nguồn nhằm giảm khối lượng rác, chi phí xử lý, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các lợi ích thiết thực của công tác này, dần dần thay đổi nhận thức người dân trong BVMT sống xanh, sạch, đẹp.
Tăng cường kiểm tra hoạt động xả thải
ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy (đơn vị huyện Cần Đước) cho rằng, hiện nay, công tác quản lý về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Cụ thể như CCN Long Định - Long Cang, một số nhà máy còn xả thải trực tiếp ra môi trường, gây bức xúc cho người dân. Bà đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết công tác kiểm tra, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các DN và các giải pháp trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành cho biết, các nhà máy trong K,CCN khi đi vào hoạt động phải bảo đảm đủ các điều kiện: Hạ tầng K,CCN trong đó hệ thống xử lý nước thải phải được hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt; hồ sơ môi trường của các nhà đầu tư thứ cấp phải được phê duyệt,... Trước khi nhà máy đi vào hoạt động, các công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của nhà máy phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Định kỳ hàng quí, sở phối hợp Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp. Năm 2019, sở cùng các ngành liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động này đối với một số doanh nghiệp tại CCN Long Định - Long Cang. Qua đó, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật BVMT và tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với những đơn vị này.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp Ban Quản lý khu Kinh tế, Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành xây dựng hố nước thải ngoài hàng rào nhà máy theo yêu cầu trong Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh về công tác BVMT tại các K,CCN. Hiện sở đầu tư trạm theo dõi, giám sát các trạm quan trắc tự động của các K,CCN. Năm 2020, sở đưa vào vận hành dự án quan trắc tự động nước mặt và không khí trên địa bàn tỉnh để theo dõi chất lượng nguồn nước, không khí tại khu vực xả thải các địa bàn trọng điểm của tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Kiên quyết xử lý, không nhân nhượng
Xoay quanh vấn đề BVMT, một số ĐB khác cũng truy vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về việc quy hoạch những nhà máy xử lý rác có thật sự phù hợp; tiến độ thực hiện còn chậm; công tác dự báo rác thải phát sinh trong thời gian tới cũng như chi phí vận chuyển rác;...
Tham gia trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền làm rõ hơn một số vấn đề như xây dựng hố thu gom, cấp phát thùng đựng rác thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đại tá Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an tỉnh, thông tin thêm một số hoạt động phối hợp cùng ngành tài nguyên và môi trường, các đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra các vi phạm pháp luật về BVMT, từ đó kịp thời xử lý những doanh nghiệp vi phạm. Gần đây nhất, qua công tác nghiệp vụ, ngành phát hiện doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại CCN Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An có hành vi vi phạm pháp luật rất nặng về BVMT. Ngành đang củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh, xử lý về mặt hình sự.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, vấn đề môi trường tại các K,CCN không đơn giản. UBND tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Hiện tại, rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh khá lớn trong khi công tác thu gom, vận chuyển, xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân bức xúc, phản ánh tình trạng rác quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, khi tỉnh đề xuất các giải pháp, trong đó có xây dựng nhà máy rác, các địa phương được quy hoạch đều từ chối. Hàng tháng, tỉnh đều phải làm việc với TP.HCM để nhờ xử lý rác và lượng rác đổ hàng ngày phải đúng quy định, nếu vượt sẽ bị phạt. UBND tỉnh cũng nhận thấy trách nhiệm của mình nhưng để giải quyết lại là chuyện rất nan giải.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh, rác thải sinh hoạt là vấn đề bức xúc, kéo dài qua nhiều năm. Công tác kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác còn chậm. UBND tỉnh phải xem xét, tập trung thực hiện trong thời gian tới. Nội dung này liên quan đến nhiều ngành, địa phương, cơ sở,... Vì vậy, ông đề nghị các ngành liên quan cần tính toán lại giá dịch vụ, làm sao đến năm 2021 không còn sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức, đồng thuận tham gia BVMT.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị các địa phương phải giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và có chế tài trong công tác thu gom, xử lý rác thải. Địa phương nào không làm tốt việc thu phí thu gom, xử lý rác thì địa phương đó phải tự bù lỗ. Riêng việc quản lý chất thải trong K,CCN, ông cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành tốt theo DTM (đánh giá tác động môi trường), làm ô nhiễm môi trường xung quanh, gây bức xúc trong nhân dân. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp vi phạm để tạo chuyển biến trong quản lý môi trường. Quan điểm của tỉnh là phải thực hiện nghiêm túc công tác BVMT, kiên quyết xử lý, không nhân nhượng với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.
Bế mạc phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các ngành tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết trả lời chất vấn và những nội dung chủ tọa kỳ họp đã kết luận, kể cả những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị, phản ánh nhiều lần nhưng kéo dài, chưa giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng với tinh thần là không nói suông, không làm qua loa và hình thức./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tap-trung-bao-ve-moi-truong-a86741.html