Tập trung các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo

Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… là những nguyên nhân dẫn tới sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo khó đáp ứng được các yêu cầu cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá, công nghiệp chế biến - chế tạo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chủ lực như: dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…

CẦN LẤY LẠI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Trong 6 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Mặc dù vậy, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, chỉ rõ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn nữa, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (88%), lại thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.

Để lấy lại đà tăng trưởng, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương… cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho.

Cụ thể, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến, chế tạo để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Với vai trò cơ quan quản lý, ông Phạm Tuấn Anh cho biết Cục Công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ôtô, cơ khí, thép… Đồng thời thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ XÚC TIẾN CỦA CÁC THƯƠNG VỤ

Nhận định 6 tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho rằng bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại 6 tháng cuối năm cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh...

Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao (đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới).

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị các hiệp hội cần tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin về về giá cả thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến liên quan đến các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu của thị trường, kịp thời định hướng cho doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất và xuất khẩu.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các sự kiện xúc tiến xuất khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm của mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổ chức, tham gia các sự kiện thương mại quốc tế quy mô lớn, hội chợ triển lãm uy tín tại những thị trường trọng điểm, thị trường giàu tiềm năng.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh nhiệm vụ của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đó là tăng cường theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng chủ lực.

Chủ động nắm bắt tình hình thông tin về các quy định, rào cản thương mại tại các thị trường sở tại, phối hợp với các đơn vị liên quan theo thẩm quyền và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ để có định hướng và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tap-trung-cac-giai-phap-day-manh-xuat-khau-san-pham-cong-nghiep-che-bien-che-tao.htm