Tập trung các nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm, làm tốt công tác an sinh xã hội (ASXH) hướng tới các đối tượng khác nhau góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh, nổi bật là các hoạt động vì người nghèo, nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Trước đây, gia đình ông Phạm Tài Thông ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa là hộ nghèo. Cuộc sống của gia đình ông Thông trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nhờ vào các chính sách về ASXH dành cho người nghèo để giảm nghèo bền vững, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi dê, gà, vịt, ngan; trồng cà phê, sắn.. để phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2019, gia đình ông Thông cùng với 6 gia đình khác trong thôn Đồng Tâm đã thoát nghèo, tự chủ được kinh tế. Không chỉ riêng gia đình ông Thông, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và sự quyết tâm của người dân, năm qua toàn xã A Dơi có 36 hộ thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách cho biết: Thời gian qua, các cấp chính quyền, ban, ngành nỗ lực rất lớn, quyết tâm thực hiện công tác ASXH nhằm bảo đảm cho người dân có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn, có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin… Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được phổ biến giáo dục pháp luật; được tư vấn pháp luật về Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn; Nghị định 171/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Pháp lệnh 34/2007/PL - UBTVQH 11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Gần đây UBND xã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; đẩy mạnh truyền thông về kiến thức phòng ngừa mua bán người, nên đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng, từng bước tiếp cận đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa chính sách đi vào cuộc sống để phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, Chương trình 135 đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo của xã qua việc cấp 9.800 cây giống cao su cho 28 hộ nghèo. Thông qua Trung tâm dạy nghề huyện Hướng Hóa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện và các chương trình dự án đã tổ chức đào tạo nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, cà phê tại xã cho 2 lớp với 40 học viên. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo cũng được UBND xã quan tâm thực hiện hiệu quả. Chính sách hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định. Năm 2019, có 316 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, với tổng số tiền chi trả hơn 160 triệu đồng/năm.
Theo ông Hồ Xa Cách, nhờ quyết liệt thực hiện các chính sách ASXH nên tuy là một xã vùng biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng đến cuối năm 2019, toàn xã A Dơi chỉ còn 297 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 42,55%, giảm 5,33% so với năm 2018; cận nghèo có 188 hộ, chiếm tỉ lệ 26,93%. Năm 2020, xã A Dơi quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu giảm thêm từ 30 đến 35 hộ nghèo, tương ứng tỉ lệ giảm hộ nghèo trong năm đạt 5, 3%.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, để giảm nghèo bền vững cho các địa phương, huyện Hướng Hóa đã huy động rất nhiều nguồn lực từ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tạo được sự lan tỏa, đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Vì thế, mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương. Qua thực tế cho thấy, chương trình giảm nghèo ở huyện Hướng Hóa được triển khai nhanh, đồng bộ đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Các chính sách ASXH đã kịp thời cải thiện các điều kiện sống của người nghèo, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mức sống của người dân được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 24,58% giảm còn 21,33%.
Tại huyện Vĩnh Linh, bà Trần Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết địa phương này luôn quyết tâm làm tốt các chính sách ASXH để giúp dân giảm nghèo bền vững. Các nội dung huyện đã thực hiện hiệu quả, đúng quy định của Đảng và Nhà nước gồm: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo; miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú và bán trú; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm xuất khẩu lao động; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... được thực hiện kịp thời. Vì thế tỉ lệ hộ nghèo của huyện năm 2019 còn 3,98%, giảm 1,28% so với năm 2018. Hộ được thoát nghèo tự tin phát triển kinh tế, hộ nghèo và cận nghèo an tâm hơn với các chính sách ASXH của huyện.
Làm tốt công tác ASXH là một trong những mục tiêu quan trọng để giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm, làm tốt công tác ASXH. Năm 2019, các ngành, các cấp ở địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp tham mưu và hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh khá đồng bộ và hiệu quả, do đó người nghèo, người cận nghèo và người mới thoát nghèo đã kịp thời được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định của Nghị quyết số 80 NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020 của Chính phủ và Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, năm qua, tổng nguồn vốn bố trí thực hiện chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trên 1.147,99 tỉ đồng, giải ngân 1.281,77 tỉ đồng (đạt 111,65% so với kế hoạch); cơ quan Bảo hiểm xã hội trong tỉnh đã cấp 153.615 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện 110,79 tỉ đồng; phân bổ 12 tỉ đồng bổ sung Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Toàn tỉnh có 833 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí thực hiện trên 23,46 tỉ đồng. Ủy ban Mặt trận TQVN và tổ chức, đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh đã tham gia hưởng ứng thực hiện công tác giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống người dân trong tỉnh nói chung và giúp người nghèo nói riêng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Vì thế tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần qua các năm. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo kết quả số liệu rà soát năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 9,68% (16.723 hộ nghèo) từ cuối năm 2018 xuống còn 8,08% (14.101 hộ nghèo) cuối năm 2019.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Thực hiện có hiệu quả phối hợp giữa cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững và các đoàn thể nhân dân các cấp trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững... Để giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào bản thân người nghèo nhận thức được cần phải nỗ lực vươn lên thì khi đó các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội mới thực sự hiệu quả, việc thoát nghèo mới thực sự bền vững.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146494