Tập trung các nguồn lực kiên cố hóa cơ sở vật chất giáo dục

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và vận động xã hội hóa để thực hiện đầu tư hệ thống nhà, lớp học kiên cố, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trường Mầm non Nậm Giôn (Mường La) được trang bị đầy đủ đồ dùng, dụng cụ học tập.

Trường Mầm non Nậm Giôn (Mường La) được trang bị đầy đủ đồ dùng, dụng cụ học tập.

Là một trong những điểm sáng về công tác kiên cố hóa trường, lớp học, đến nay, huyện Sông Mã đã có 852 phòng học được đầu tư xây dựng kiên cố, đạt 60,6%; 449 phòng học bán kiên cố, chiếm 31,5% và 112 phòng học tạm, mượn, chiếm 7,9%. Ông Nguyễn Chí Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thực hiện đầu tư cơ sở vật chất giáo dục kiên cố, đồng bộ, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của huyện, giai đoạn 2015-2020, huyện Sông Mã đã xây dựng và ban hành kế hoạch huy động mọi nguồn lực đầu tư, vận động phụ huynh đóng góp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng điểm trường, phòng, lớp học. Từ năm 2015 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, huyện Sông Mã đã huy động được trên 64 tỷ đồng đầu tư xây dựng 278 phòng học. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 79%.

Tại huyện Mường La, đến nay, toàn huyện có 600 phòng học kiên cố, chiếm 55%; 355 phòng học bán kiên cố, chiếm 32,5% và 136 nhà tạm, chiếm 12,5% tổng số phòng học trên địa bàn huyện. Các công trình lớp học được xây dựng kiên cố theo cơ sở tham khảo thiết kế mẫu của Bộ Xây dựng. Đến Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Chiềng San, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi, khuôn viên trường rộng rãi, sạch sẽ, bố trí, sắp xếp khoa học, các phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị giáo dục. Gắn bó với trường đã hơn chục năm nay, cô giáo Hà Thị Thúy, chia sẻ: Năm 2009, được tách từ Trường Tiểu học Chiềng San, thời điểm đó, trường chưa được đầu tư cơ sở vật chất, phải mượn các lớp học tại điểm trường lẻ của trường tiểu học để dạy học cho trẻ mầm non. Do khuôn viên được thiết kế phục vụ cho giáo dục bậc tiểu học nên không phù hợp, cơ sở vật chất thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Đến nay, trường đã được đầu tư 9 phòng học, có cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học, giáo dục trẻ đi vào nền nếp, chất lượng giáo dục nâng lên.

Thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát, ưu tiên xây dựng tại các trường có phòng học xuống cấp mà chưa có dự án đầu tư, các điểm trường vùng khó khăn và những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cùng với tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các huyện đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, vận động phụ huynh đóng góp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà lớp học và những công trình phụ trợ. Riêng trong năm học 2019-2020 đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 535 phòng học. Đến nay, toàn tỉnh có 13.171 phòng học, trong đó 8.537 phòng học kiên cố, 3.647 phòng học bán kiên cố, còn 987 phòng học tạm. Phòng học đã cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày; cơ sở vật chất thư viện, thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học... cũng được quan tâm đầu tư.

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa trên 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng 1 trường mầm non và 4 nhóm trẻ độc lập tư thục, nâng tổng số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh lên 47 cơ sở, gồm: 15 trường mầm non tư thục và 32 nhóm trẻ độc lập tư thục, chiếm 5,7% tổng số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trường học đã huy động được trên 36 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đến nay, thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu tối thiểu ở cấp học mầm non đạt trên 74%, cấp tiểu học đạt 75%; cấp THCS đạt 54,25% và cấp THPT đạt 51%. Toàn tỉnh đã có 280 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 46,9% tổng số trường học trong toàn tỉnh.

Với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đến nay hệ thống trường lớp học trên địa bàn tỉnh đã và đang được cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng vào việc thu hút học sinh đến lớp, ổn định nền nếp và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, góp phần đảm bảo các tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tap-trung-cac-nguon-luc-kien-co-hoa-co-so-vat-chat-giao-duc-35690