Tập trung chăm sóc và bảo vệ lúa đông xuân

Đến ngày 6-3, toàn tỉnh đã gieo cấy được 115.158,1 ha/115.000 ha lúa đông xuân, đạt 100,1% kế hoạch. Hầu hết diện tích lúa được gieo cấy theo đúng khung lịch thời vụ, nên đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, trên diện tích lúa đã xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại.

Nông dân xã Đông Ninh (Đông Sơn) chăm sóc lúa đông xuân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 6-3, trên lúa xuất hiện một số sâu, bệnh hại, như: bệnh đạo ôn lá xuất hiện, gây hại nhẹ tại các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Vĩnh Lộc và TP Thanh Hóa, với diện tích nhiễm 2 ha. Bệnh nghẹt rễ xuất hiện và gây hại nhẹ đến trung bình, diện tích nhiễm 33 ha. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại nhẹ tại huyện Thường Xuân, diện tích nhiễm 6,5 ha. Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện rải rác, mật độ thấp, phổ biến 5 - 15 con/m2, cao 15 - 30 con/m2. Chuột hại nhẹ đến trung bình tại các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa... diện tích 22 ha.

Để chăm sóc, bảo vệ diện tích lúa chiêm xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh để chỉ đạo, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, trừ kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm, bám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh phát sinh, phát triển để thực hiện phòng, trừ. Khi các loại sâu bệnh có tỷ lệ hại nặng đến mức phải phun trừ, bà con nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp và thực hiện nghiêm nguyên tắc “4 đúng” trong quá trình phun.

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tap-trung-cham-soc-va-bao-ve-lua-dong-xuan/132734.htm