Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh
Để triển khai kịp thời, có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó với sạt lở bờ sông, UBND tỉnh Long An đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh diễn ra với tần suất ngày càng nhiều và rất phức tạp, không dự báo được. Nhiều vụ sạt lở đất làm cuốn trôi tài sản, diện tích đất ở, đất sản xuất của nhà nước và nhân dân; làm sập đổ, hư hỏng nhiều nhà ở, đường giao thông, hệ thống đê điều. Đặc biệt, gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần người dân hiện đang sinh sống tại gần các bờ sông.
Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân xảy ra sạt lở là do các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thiên tai cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài lại chuyển sang mưa lũ với cường suất ngày càng lớn; các vị trí sạt lở thường xảy ra tại những đoạn sông cong lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống kết hợp sự gia tăng các phương tiện tàu, thuyền lưu thông qua lại.
Bên cạnh đó, sự chủ quan của người dân trong việc xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ,... rất gần bờ sông hoặc lấn chiếm ra cả mặt nước đã tạo sự gia tăng tải trọng công trình lên bờ sông dẫn tới đất bị sụt lún, sạt lở ngày càng gia tăng.
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ lòng, bờ sông và bãi sông; đặc biệt là việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác đất, sỏi trái phép ở lòng sông làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát, khoanh vùng và đánh giá phân loại mức độ sạt lở, nguy cơ sạt lở bờ sông; tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, huy động các nguồn lực để thực hiện. Trong đó, cần tập trung ưu tiên thực hiện: Cắm biển cảnh báo sạt lở, lập phương án di dời và tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đang sinh sống tại các khu vực đang có diễn biến sạt lở, nguy cơ xảy ra sạt lở lớn; nhất là tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân.
Mặt khác, các địa phương cần chủ động xây dựng công trình bảo vệ bờ sông tại những khu vực dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời; trường hợp vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước; tăng cường huy động các nguồn lực (ngoài ngân sách, doanh nghiệp, nhân dân,...) để xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kết hợp đa mục tiêu làm cơ sở để nhân rộng, giảm áp lực ngân sách nhà nước; tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư các vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo nhanh tình hình thiệt hại thiên tai, sạt lở bờ sông trên địa bàn quản lý (nếu có) gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi) để tổng hợp, báo cáo và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh./.