Tập trung công tác đấu tranh thông tin xấu, độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ

Tại hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin & truyền thông, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tập trung công tác đấu tranh thông tin xấu độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ; phối hợp xử lý pháp luật các hành vi vi phạm; chống trục lợi, lừa đảo. Tăng cường điều tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông, trong đó hoàn thiện Luật Báo chí để báo chí phát triển, chuyển sang giai đoạn thông tin số...

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí ở mức Xuất sắc, Tốt, Khá đều tăng

Trong nhiều “điểm sáng” của nỗ lực năm qua, báo chí - truyền thông vẫn luôn là lĩnh vực “nòng cốt” được Bộ Thông tin & truyền thông ghi nhận và tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy. Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy...”. Lĩnh vực báo chí truyền thông với sứ mệnh là “sức mạnh tinh thần” đã có nhiều hoạt động nổi bật.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu tham quan triển lãm các sản phẩm, giải pháp của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, bên lề hội nghị.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu tham quan triển lãm các sản phẩm, giải pháp của các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT, bên lề hội nghị.

Theo đó, điển hình có thể kể đến là ngày 09/11/2024, Nghị định số 147/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành. Đây là cơ sở để quản lý chặt chẽ thông tin trên môi trường mạng, là công cụ pháp lý quan trọng để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới nhằm yêu cầu tuân thủ nghiêm luật pháp Việt Nam, xử lý tình trạng tin giả, lừa đảo trên mạng, tình trạng báo hóa trên trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội,...

Thêm nữa, ngày 10/10/2024, Công bố nền tảng truyền hình số Quốc gia VTVGo, đây là một trong những kết quả nổi bật của quá trình chuyển đổi số của Đài Truyền hình Việt Nam những năm qua, như đầu tư hạ tầng sản xuất chương trình đồng bộ trên công nghệ số, số hóa kho tài nguyên nội dung, sẵn sàng xu thế chuyển dịch khán giả từ TV truyền thống sang các ứng dụng trên nền tảng Internet…

Ngoài ra, những kết quả nổi bật của lĩnh vực báo chí - truyền thông cũng phần nào cho thấy một năm qua, nỗ lực “vượt khó” của các cơ quan thông tấn, báo chí là rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Thông tin & truyền thông, doanh thu của báo chí in, báo chí điện tử ước đạt 8.080 tỷ đồng, giảm khoảng 6,1% so với năm 2023, trong đó quảng cáo giảm 5,6%. Đặc biệt, so với năm 2023, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 ở mức Xuất sắc, Tốt, Khá đều tăng: mức xuất sắc: tăng 6,27%, đạt 9,93; Tốt: tăng 14,99%, đạt 23,05; Khá: tăng 6,31%, đạt 19,50, mức yếu giảm 24,35%. Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông chính sách cũng được đẩy mạnh, với 97,8% các bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình truyền thông chính sách. Tỷ lệ tin bài về truyền thông chính sách trên các phương tiện báo chí cũng tăng từ 11% lên 20%, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực trong việc truyền tải thông tin về các chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Nổi bật năm qua, doanh thu lĩnh vực phát thanh, truyền hình đạt 12.524 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023 (12.049 tỷ đồng)…

Khoảng 70% quảng cáo trực tuyến chảy vào các nền tảng

Bên cạnh những nỗ lực, theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông, lĩnh vực báo chí - truyền thông cũng gặp không ít tồn tại, thách thức. Trong đó, với nội dung báo in, vẫn còn có thông tin chưa bám sát chỉ đạo, định hướng của cơ quan chức năng, thông tin thiếu nhạy cảm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại, có những vụ việc thông tin báo chí khai thác đậm nét song chưa thể hiện đúng bản chất dẫn đến dư luận có hoài nghi, thông tin sai sự thật...

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đối với phát thanh, truyền hình, số lượng chương trình thật sự hấp dẫn, có tính phát hiện, định hướng, có chiều sâu còn chưa nhiều; tính xây dựng, phản biện xã hội của một số chương trình, tin, bài chính luận chưa cao, chưa sắc bén và thuyết phục; chưa phát huy hiệu quả báo chí đa nền tảng và truyền thông đa phương tiện trong hệ sinh thái truyền thông online…

Bên cạnh đó, về hoạt động nghiệp vụ, việc cử phóng viên tác nghiệp, thu thập tư liệu về những lĩnh vực không phù hợp, không bám sát tôn chỉ, mục đích vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, những tồn tại, hạn chế của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp với dấu hiệu trục lợi. Trong năm 2023, có 15 phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật bị bắt giữ, xử lý hình sự. Từ đầu năm 2024 tới nay, có khoảng 14 nhà báo bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can.

Về kinh tế báo chí, nguồn thu từ phát hành báo chí, nhất là báo chí in đang ngày càng giảm. Doanh thu từ quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các cơ quan báo chí phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng nhưng khoảng 70% quảng cáo trực tuyến lại chảy vào các nền tảng.

Nguồn kinh phí sự nghiệp dịch vụ công của Nhà nước cấp cho cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp, chưa đồng đều và chưa thường xuyên. Năm 2023, chi thường xuyên hiện chiếm khoảng gần 0,6% tổng chi thường xuyên NSNN, chi đầu tư phát triển báo chí chiếm khoảng 0,2% tổng chi đầu tư ngân sách. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách liên quan giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế...

Còn trong lĩnh vực thông tin điện tử cũng không ít vướng mắc khi mà công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý không gian mạng, quản lý các nền tảng xuyên biên giới...còn chưa chặt chẽ và đồng bộ.

Công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới chịu nhiều sức ép từ các tổ chức quốc tế thông qua con đường ngoại giao. Nguồn lực cả về nhân sự lẫn phương tiện, công cụ của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống kỹ thuật, công cụ theo dõi, rà quét nhằm phát hiện thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên không gian mạng nói chung và trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Chia sẻ tại Hội nghị, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho hay, trong quá trình trực tiếp quản lý, Cục nhận thức được hai vấn đề. Đó là, không gian mạng trở thành không gian sống mới của loài người, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng chính là bảo vệ chế độ; quản lý không gian mạng nói riêng và quản lý truyền thông xã hội nói chung không thể và không chỉ là nhiệm vụ của một vài đơn vị chủ chốt như trước đây, mà là của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, muốn quản lý thông tin trên mạng và truyền thông xã hội, bắt buộc phải quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới. Từ hai tiền đề trên, Cục PTTH&TTĐT đã tìm tòi, rút ra những cách làm mới, đó là kết hợp giữa xây và chống, phải cùng nhau xây và cùng nhau chống. Cách làm này có thể khái quát thành 4 ý: Xây quy định, xây cách đánh, xây lực lượng, xây thế trận, nhằm đạt được mục tiêu là chống thông tin xấu độc và chống mất kiểm soát truyền thông xã hội trên không gian mạng.

Hoàn thiện Luật Báo chí, chuyển sang giai đoạn thông tin số

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc bày tỏ vui mừng khi Bộ TT&TT đạt được kết quả to lớn và ghi nhận các ý kiến của bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để thúc đẩy ngành TT&TT phát triển. Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Chính phủ cũng đã chỉ ra những thách thức, khó khăn, hạn chế trong thời gian qua, đòi hỏi ngành TT&TT phải có giải pháp trong thời gian tới.

Trong đó, về báo chí, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần quản lý chặt chẽ để báo chí là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Thông tin xấu độc "gặm nhấm dân", làm sai lệch và ảnh hưởng niềm tin của người dân với chính quyền nên cần phải chặn ngay bằng công nghệ, pháp luật và hợp tác quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung công tác đấu tranh thông tin xấu độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ; phối hợp xử lý pháp luật các hành vi vi phạm; chống trục lợi, lừa đảo. Tăng cường điều tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông, trong đó hoàn thiện Luật Báo chí để báo chí phát triển, chuyển sang giai đoạn thông tin số.

 Tại Hội nghị, Việc Bộ TT&TT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước. Trong ảnh, các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt mạng lưới.

Tại Hội nghị, Việc Bộ TT&TT chính thức ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách trên toàn quốc, đặt dấu mốc quan trọng trong việc phủ rộng, lan tỏa triển khai công tác truyền thông chính sách trên cả nước. Trong ảnh, các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt mạng lưới.

Về hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định "việc sáp nhập Bộ mới có sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn và thực hiện hiệu quả hơn". Hai bộ có điểm chung nhất là công nghệ, ông tin tưởng hai bộ sẽ "mạnh hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn".

Trong năm 2025 và thời gian tới, Phó Thủ tướng kỳ vọng Bộ TT&TT sẽ phát huy các kết quả, tích cực đổi mới sáng tạo và khắc phục thách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI, đẩy mạnh công nghiệp số góp phần thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên hùng cường, thịnh vượng, dân giàu nước mạnh…

Trước nhiều vướng mắc, khó khăn, trong kế hoạch, phương hướng thời gian tới, Bộ Thông tin & truyền thông cũng đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí theo kế hoạch để giải quyết căn cơ những bất cập, tồn tại thời gian qua và thúc đẩy báo chí phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng và làm tốt công tác quản lý nhà nước. Tiếp tục bám sát, thúc đẩy việc điều chỉnh một số quy định về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế đặt hàng, định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ quan báo chí…

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; chuyển đổi số trong hoạt động phát thanh, truyền hình từ “sản xuất” đến “phân phối”; đổi mới, tăng cường các giải pháp đấu tranh, xử lý thông tin sai trái, vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tốt việc tăng cường thông tin trên các nền tảng số, mạng xã hội, để đưa thông tin báo chí lên môi trường mạng, tăng cường tiếp cận với khán, thính giả. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành để có thể triển khai thống nhất, đồng bộ, kết hợp các giải pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông để yêu cầu với các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giám sát sử dụng các công nghệ phân tích hiện đại như AI, BigData để thực hiện theo dõi, rà quét và quản lý chặt chẽ không gian mạng...

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-trung-cong-tac-dau-tranh-thong-tin-xau-doc-tu-nen-tang-xuyen-bien-gioi-bang-cong-nghe-post328044.html