Tập trung củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường

Nhiều trường học trên địa bàn huyện Lạc Dương đã triển khai các biện pháp để tổ chức ôn tập lại các kiến thức cho học sinh khi trở lại trường vào đầu tháng 5 tới.

Việc ôn tập củng cố lại kiến thức cho học sinh được các nhà trường xem là nhiệm vụ trọng tâm (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19)

Việc ôn tập củng cố lại kiến thức cho học sinh được các nhà trường xem là nhiệm vụ trọng tâm (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19)

Bà Nguyễn Thị Thủy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Lạc Dương cho biết, những ngày nghỉ học do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các trường học cũng tổ chức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, để các em không quên kiến thức thì cần phải có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

So với các TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển như huyện Đức Trọng, Đơn Dương, việc dạy học trực tuyến của giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện Lạc Dương gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, địa phương chỉ triển khai được ở 2 trường tiểu học, 1 trường THCS tại thị trấn Lạc Dương, riêng đối với các trường ở 5 xã Lát, Đưng K’Nớ, Đa Sar, Đạ Chais, Đạ Nhim việc tổ chức dạy và học trực tuyến rất khó khăn.

Thực tế, thời gian qua chỉ khoảng 30% số trường học trên địa bàn huyện Lạc Dương tổ chức và đáp ứng được việc dạy và học trực tuyến. Do đó, để các em duy trì được nề nếp học tập cũng như rèn luyện kỹ năng tự học, thời gian qua, Phòng GDĐT yêu cầu các trường tiếp tục thực hiện việc dạy học bằng hình thức giao bài dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Do đó, việc triển khai kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho các em học sinh ngay sau khi quay lại trường là điều thiết yếu nhất.

Theo bà Thủy, các trường sẽ căn cứ tùy vào điều kiện thực tế và từng cấp học để soạn đề cương ôn tập và chương trình học trọng tâm (đã giảm tải). Trước mắt, Phòng GDĐT huyện đã xây dựng ba phương án, cụ thể là tinh giản những tiết học không bắt buộc; giáo viên có thể chọn lựa bài trong phân môn của mình; trong mỗi bài học giáo viên có điều tiết nội dung để học sinh nắm vững kiến thức nền tảng, cốt lõi. Đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, bên cạnh duy trì kiến thức cơ bản cho các em, thì việc dạy Tiếng Việt phải được đặt lên hàng đầu do thời gian nghỉ học dài ngày sẽ khiến cho học sinh dân tộc thiểu số quên mất Tiếng Việt.

Bên cạnh việc củng cố kiến thức cho học sinh, việc vận động học sinh ra lớp cũng là điều mà Phòng GDĐT huyện Lạc Dương quan tâm, bởi địa phương có đến 70% là học sinh đồng bào DTTS. Hiện, Phòng GDĐT huyện cũng đã nhờ Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện phát thông báo để học sinh nắm được thời gian quay lại trường học. Đồng thời, phối hợp với hội phụ huynh học sinh các trường, đoàn thể các xã đến từng nhà vận động các em trở lại lớp.

Tương tự, tại Trường THPT Langbiang, huyện Lạc Dương, để củng cố kiến thức cho học sinh sau khi trở lại trường, nhà trường cũng đã chỉ đạo giáo viên xây dựng lại phân khối chương trình học, hệ thống hóa kiến thức ôn tập cho học sinh, nhất là những em học sinh học lực yếu, trung bình.

Ông Đặng Thành Long - Hiệu trưởng Trường THPT Langbiang cho biết, trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, nhà trường đã tổ chức các lớp học trực tuyến để ôn tập lại các kiến thức cũ cho các em học sinh, tránh trường hợp các em quên bài. Tuy nhiên, do đa phần học sinh của nhà trường đều ở các xã vùng sâu, vùng xa, các em không có máy tính hay điện thoại để tham gia lớp học nên chỉ có khoảng 40% học sinh nhà trường tham gia học trực tuyến. Hơn nữa, đa phần các em đăng ký tham gia lớp học là các em học sinh khá, giỏi.

Vì vậy, bên cạnh tiếp tục giảng dạy chương trình mới, việc củng cố lại kiến thức cho học sinh, nhất là học sinh yếu và trung bình để các em theo kịp chương trình sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Trước mắt, nhà trường sẽ cắt giảm các tiết học tự chọn để tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh ở các môn học như: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh.

Bên cạnh việc đảm bảo kiến thức cho học sinh thì nhiệm vụ phòng chống dịch trong nhà trường cũng được thực hiện nghiêm ngặt. Học sinh sẽ được đo thân nhiệt trước khi vào trường học, ngay tại mỗi lớp học đều đã được nhà trường trang bị nước rửa tay sát khuẩn.

Riêng đối với việc thực hiện Chỉ thị 19 về giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với trường học, giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh, nhà trường cũng đã có phương án triển khai.

“Hiện nhà trường có hơn 390 học sinh, được phân chia thành 12 lớp, trung bình mỗi lớp hơn 30 học sinh. Khi học sinh quay trở lại, chúng tôi sẽ cho lắp đặt thêm bàn ghế, nới giãn khoảng cách học sinh cũng như tạm thời ngưng triển khai việc thảo luận nhóm trong giờ học” - ông Long cho biết thêm.

THANH SA – NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202004/tap-trung-cung-co-kien-thuc-cho-hoc-sinh-khi-quay-lai-truong-3001198/