Tập trung dập dịch sốt xuất huyết
Từ một số ổ dịch xuất hiện ở Phường Lương Khánh Thiện và Phường Minh Khai của TP Phủ Lý, đến ngày 22/7 sốt xuất huyết (SXH) Dengue đã có ở 13 phường, xã của thành phố. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đều đã có các ca SXH. Việc dập dịch đã được thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở nhưng do thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, việc vệ sinh môi trường để tiêu diệt muỗi, bọ gậy gây bệnh ở một số nơi, một số gia đình chưa được triệt để nên dịch vẫn chưa thể khống chế.
Từ một số ổ dịch xuất hiện ở Phường Lương Khánh Thiện và Phường Minh Khai của TP Phủ Lý, đến ngày 22/7 sốt xuất huyết (SXH) Dengue đã có ở 13 phường, xã của thành phố. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đều đã có các ca SXH. Việc dập dịch đã được thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở nhưng do thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, việc vệ sinh môi trường để tiêu diệt muỗi, bọ gậy gây bệnh ở một số nơi, một số gia đình chưa được triệt để nên dịch vẫn chưa thể khống chế.
Sốt xuất huyết xuất hiện sớm hơn, nhiều bệnh nhân nặng hơn
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam tuần 29 năm 2022 (từ ngày 14-20/7), qua giám sát tại cộng đồng ghi nhận 26 trường hợp mắc SXH (thị xã Duy Tiên 2 ca; huyện Kim Bảng 1 ca và TP Phủ Lý 23). Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 123 trường hợp mắc SXH. Trong đó, nhiều nhất là TP Phủ Lý 85 ca, huyện Bình Lục 18 ca, thị xã Duy Tiên 12 ca, Kim Bảng 4 ca, Lý Nhân 3 ca, Thanh Liêm 1 ca. So với cùng kỳ của năm 2021, ở thời điểm tuần 29 toàn tỉnh mới có 6 ca SXH ở 3 huyện, thị, thành phố.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Phủ Lý, ngày 22/7, toàn thành phố đã ghi nhận 88 ca mắc và nghi mắc SXH ở 13 phường, xã: Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Thanh Châu, Tiên Hiệp, Trần Hưng Đạo, Đinh Xá, Phù Vân, Tiên Tân, Lê Hồng Phong, Lam Hạ, Quang Trung, Liêm Chính, Kim Bình. Các ca mắc SXH chủ yếu tập trung tại ổ dịch của Phường Lương Khánh Thiện, Minh Khai.
Đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam, số ca mắc 6 tuần đầu năm 2022 ổn định so với cùng kỳ 2021 nhưng bắt đầu từ tuần 24 có xu hướng tăng và tăng cao liên tục đến nay. So với diễn biến dịch trung bình giai đoạn 2017-2021, số ca mắc trên địa bàn tỉnh tăng sớm khoảng 1 tháng.
Dự báo trong thời gian tới số ca mắc tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang trong cao điểm mùa dịch, đặc biệt tại khu vực các ổ dịch cũ thuộc TP Phủ Lý. Bác sỹ Đào Anh Minh, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Năm nay khoa tiếp nhận bệnh nhân SXH sớm hơn khoảng 1 tháng. Từ cuối tháng 4/2022, khoa đã có bệnh nhân SXH và từ khoảng 13-15/7 số bệnh nhân bắt đầu tăng, thường xuyên duy trì 25-30 ca nằm điều trị tại khoa. Hiện tại do dành tầng 1 của khoa làm khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 nên các bệnh nhân còn lại đều điều trị tại tầng 2 với số giường thực tế là khoảng 20 giường. Do lượng bệnh nhân SXH nhiều nên dẫn đến quá tải, có nhiều giường bệnh nhân phải nằm ghép đôi.
Bác sỹ Đào Anh Minh cũng cho biết năm nay không những SXH sớm hơn mà còn có nhiều ca nặng hơn mọi năm. Theo nhận định của bác sỹ Minh có thể là do nhiều người mới mắc Covid-19 được một thời gian chưa hồi phục hoàn toàn thì lại mắc SXH, cộng với tuổi cao, có bệnh lý nền nên dễ trở nặng.
Ý thức của mỗi gia đình, khu dân cư là quan trọng
Trước tình hình dịch SXH trên toàn quốc tăng mạnh, dịch ở tỉnh xuất hiện sớm hơn, chính quyền các cấp đã có những chỉ đạo cụ thể, ngành y tế triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm khống chế dịch. Với khẩu hiệu “Không có lăng quăng (bọ gậy) không có sốt xuất huyết”, biện pháp mấu chốt nhất là tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường nơi ở, trong khu dân cư, phun thuốc diệt muỗi... Nhiều khu dân cư đã tổ chức tổng vệ sinh môi trường, hầu hết các hộ gia đình đã rất có ý thức trong vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Tuy nhiên, cũng vẫn còn những gia đình chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, chưa chủ động trong triệt tiêu nguồn truyền bệnh là muỗi, ấu trùng muỗi (bọ gậy) và nơi sinh sản của muỗi.
Cán bộ Trung tâm Y tế TP Phủ Lý chia sẻ: Ở thành phố mật độ dân cư đông, việc dập dịch SXH khó khăn hơn nhiều so với vùng nông thôn nếu mỗi gia đình, mỗi khu dân cư không có các biện pháp triệt để. Có những gia đình khi cán bộ y tế đi giám sát mật độ muỗi truyền bệnh thấy có khá nhiều chai, lọ bỏ đi ngổn ngang cạnh nhà bên trong là nước thải lẫn chi chít bọ gậy mang mầm bệnh, tuy nhiên khi cán bộ y tế, đại diện tổ dân phố nhắc nhở phải rất khó khăn mới hợp tác thu dọn.
Ở thành phố, nhiều gia đình thường trồng các chậu cây cảnh để tạo không gian xanh, tuy nhiên nếu không vệ sinh tốt sẽ dễ trở thành nơi khu trú của muỗi mang mầm bệnh SXH. Trong quá trình đi giám sát véc - tơ truyền bệnh, nhân viên y tế tìm thấy bọ gậy mang bệnh trong chút nước đọng lại ở chiếc lá khô trên mặt đất, hoặc trong chiếc đĩa đặt dưới mỗi chậu cảnh nhằm ngăn nước thừa mỗi khi tưới cây chảy ra ngoài. Có khu dân cư các gia đình đều dọn vệ sinh rất sạch sẽ nơi ở và sát khu vực nhà mình nhưng lại bỏ qua các khu vực công cộng. Muỗi truyền bệnh SXH bay được khoảng 200m. Đó là lý do phải vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi nơi ở của từng gia đình và các khu vực công cộng trong mỗi khu dân cư có nguồn bệnh mới có thể triệt tiêu được nguồn lây bệnh. Chỉ cần một gia đình, hoặc một khu vực công cộng trong khu dân cư có ca SXH chưa được vệ sinh cẩn thận thì mầm bệnh vẫn còn và lây lan.
Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các địa phương đang ghi nhận ca bệnh SXH, triển khai giám sát bệnh nhân, giám sát véc - tơ. Tham mưu tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), phun hóa chất diệt muỗi tại các địa phương đang ghi nhận các trường hợp mắc và chỉ số BI cao trên 20, mật độ muỗi trên 0,5 con/nhà.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/y-te/tap-trung-dap-dich-sot-xuat-huyet-70301.html