Tập trung đầu tư các nguồn lực cho ngành giáo dục
ĐTO - Giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách nhà nước tiếp tục tập trung cho ngành giáo dục đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy và học thông qua các chương trình, dự án đầu tư công. Năm 2023, ngân sách tỉnh bố trí hơn 629 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị theo kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp bố trí 110 tỷ đồng thực hiện duy tu, sửa chữa trường học các cấp phục vụ nhu cầu dạy và học tại các huyện, thành phố trong tỉnh.
Các nguồn ngân sách tỉnh trong đó có nguồn xổ số kiến thiết được phân bổ đầu tư vào chương trình: đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025; trang, thiết bị dạy học ngoại ngữ; tin học; thiết bị bàn, ghế học sinh cho các trường phổ thông và các dự án trường THPT trọng điểm. Từ nguồn vốn đầu tư, 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường, các cơ sở giáo dục trung học đã sử dụng các phần mềm quản lý nhà trường để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất. Qua đó, hơn 50% hồ sơ nhà trường được số hóa và quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên (học bạ; sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ đăng bộ, sổ đầu bài, sổ liên lạc điện tử, sổ chủ nhiệm...); xây dựng kho bài giảng dùng chung...
Tại các huyện, thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu UBND, phối hợp với các ngành có lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên cho các trường đang hoàn thiện lộ trình trường đạt chuẩn Quốc gia. Tại huyện Tháp Mười, Phòng GD&ĐT huyện phối hợp thực hiện rà soát cơ sở vật chất ở các điểm trường xuống cấp, kịp thời sửa chữa nhỏ tại 19 điểm trường với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, sửa chữa lớn tại 7 điểm trường với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Hiện có 791 phòng học (trong đó xây dựng mới 78 phòng), 409 phòng chức năng (trong đó xây mới 95 phòng). Cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đối với ngành học Mầm non có 20/20 trường (công lập và tư thục) tổ chức bán trú đạt 100%. Cấp Tiểu học có 23/23 trường dạy học 2 buổi/ngày, đạt 100%. Đặc biệt, ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư, các đơn vị trường tại huyện Tháp Mười thực hiện tốt công tác xã hội hóa. 100% các đơn vị trường có khuôn viên sân trường kiên cố, an toàn, hệ thống cây xanh đảm bảo mỹ quan, sân chơi, thư viện ngoài trời dành cho học sinh ngoài giờ học.
Tại huyện Cao Lãnh, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, đến nay toàn huyện có 34/60 trường học được công nhận đạt chuẩn. Trong đó: ngành học Mầm non có 14/21 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt hơn 66,67% (trong đó có 5 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2); Tiểu học có 8/23 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, đạt 34,8% (trong số đó có 1 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, giảm 6 trường do sáp nhập); THCS có 12/16 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 75% .
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, ngành còn huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục. Các dự án kêu gọi đầu tư theo danh mục được phê duyệt giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được vận động xúc tiến đầu tư. Năm 2023, có 2 dự án Trường THCS - THPT Tích hợp Thân - Tâm - Trí tại TP Cao Lãnh và tại TP Sa Đéc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Thế Giới Kỹ Thuật Đồng Tháp đang được thẩm định chủ trương đầu tư với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Việc huy động nguồn lực từ vận động tài trợ và đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho giáo dục được chính quyền địa phương các cấp, ngành GD&ĐT thực hiện. Kết quả năm học 2022 - 2023, tổng số tiền vận động tài trợ hơn 38 tỷ đồng (kể cả quy đổi vật chất thành tiền) để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cấp học bổng và khen thưởng cho học sinh, sinh viên, giáo viên... Trong đó, nổi bật là các chương trình được duy trì hàng năm “Gương sáng hiếu học”, “Khuyến tài khuyến học” từ Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc, Quỹ khuyến học các cấp, trong đó có sự đóng góp của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp.
Đầu tư các nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố khảo sát, hoàn thiện cơ sở vật chất các đơn vị trường, trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo chương trình mới, trong đó, ưu tiên xây dựng trường học 2 buổi/ngày, các đơn vị trường sắp đạt chuẩn Quốc gia. Đồng thời phối hợp rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo hướng cụm trường, liên trường, các điểm trường chính, điểm trường lẻ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục. Ưu tiên dành quỹ đất, ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng trường, lớp, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phòng GD&ĐT, các đơn vị trường phối hợp với các ngành liên quan xem xét, hỗ trợ, đề nghị miễn giảm học phí, vận động các nguồn lực hỗ trợ học bổng, thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.