Tập trung đầu tư cho bóng chuyền nữ
Tham dự liên tiếp 3 giải đấu trong khoảng thời gian chỉ hơn 1 tháng, tuyển bóng chuyền nữ U23 Việt Nam đã góp mặt tại vòng bán kết của cả 3 giải với một danh hiệu vô địch.
Xét về thành tích, đây có lẽ là giai đoạn thăng hoa nhất của lứa cầu thủ nữ U23 Việt Nam khi xuất sắc bảo vệ được vị trí thứ ba châu lục sau khi đánh bại chính kình địch Thái Lan, cũng là đội đương kim á quân của Giải Vô địch U23 châu Á, trong trận tranh HCĐ. Không chỉ có vậy, đoàn quân của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt còn lần đầu tiên giành chức vô địch một giải đấu mời quốc tế (Asian Peace Cup tại Indonesia) và mới nhất là giành HCB tại VTV Cup, giải đấu lần đầu quy tụ khá nhiều đội bóng mạnh tại châu Á.
Sở hữu trong tay những gương mặt sáng giá nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam hiện tại, có thể nói HLV Nguyễn Tuấn Kiệt với nguồn "bột" cực tốt đã bước đầu gia công thành một lượng "hồ" với phẩm chất không thể chê vào đâu được mà thành tích như đã đề cập chính là lời nhận xét chân thực nhất dành cho lứa cầu thủ tuổi mới trong ngoài 20.
Có thể so với các thế hệ tuyển thủ đàn chị từng nối tiếp nhau giành tổng cộng 8 ngôi á quân SEA Games, tuyển U23 còn non kinh nghiệm chinh chiến nhưng với tần suất thi đấu như hiện nay, thế hệ cuối 9X như Thanh Thúy và đồng đội rõ ràng nhỉnh hơn về bản lĩnh đối đầu cùng các đội bóng quốc tế. Thậm chí, tuyển U23 bứt phá mạnh mẽ khi vượt qua những cái tên một thời gieo rắc nỗi kinh hoàng cho bóng chuyền nữ trong khu vực như CLB Altay (bộ khung chính của tuyển Kazakhstan), CLB Thể thao 4.25 (phiên bản của tuyển CHDCND Triều Tiên) hoặc U23 Thái Lan (tuyến kế thừa của Thái Lan). Qua đó cho thấy tuyển U23 Việt Nam đủ tự tin bước ra sân chơi ASEAN Grand Prix lần I vào tháng 9 cũng như tại SEA Games 30 cuối năm nay.
Chăm lo cho tuyển nữ U23 quốc gia ra sao với mục tiêu đổi màu tấm huy chương đồng giành được tại SEA Games 2017, kể cả mơ đến vị trí cao nhất của sân chơi khu vực, là điều cần phải làm ngay. Ở thời điểm 2 đội tuyển U23 nam và nữ tập trung đầu tháng 6 vừa qua tại Trung tâm HLTT quốc gia Hà Nội, thủ đô vào mùa nắng nóng với thời tiết oi bức rất dễ khiến cầu thủ chấn thương khi tập luyện ở cường độ cao. Tiếng là đội tuyển quốc gia nhưng cả 2 đội nam, nữ U23 đều thiếu trang phục tập luyện, trang thiết bị hỗ trợ còn kém xa nhiều CLB, thậm chí đến bóng tập cũng không đủ, buộc 2 đội phải tập lệch giờ để có bóng cho đội nam tập luyện!
Nhắc chi tiết dự 3 giải đấu trong khoảng 40 ngày với mật độ 4-12 ngày/giải để thấy, tuyển nữ U23 quá may mắn khi chỉ có duy nhất Thanh Thúy dính chấn thương và quá xui rủi khi chấn thương ập đến với mũi tấn công tốt nhất khiến đội không thể bảo vệ thành công ngôi vô địch VTV Cup trước NEC Red Rocket (Nhật Bản). Sẽ ra sao nếu đội bóng chỉ được nghỉ ngơi ít ngày rồi lại khăn gói lên đường dự ASEAN Grand Prix kéo dài đến vài tuần lễ và sau đó là SEA Games cận kề?
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang có lực lượng đồng đều nhất trong nhiều năm trở lại đây nhưng với cách làm hiện tại, mục tiêu tranh chấp huy chương SEA Games e khó thành hiện thực khi Thái Lan và Indonesia vẫn rất mạnh, lại thêm Philippines tăng cường rất nhiều ngoại binh nhập tịch.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/the-thao/tap-trung-dau-tu-cho-bong-chuyen-nu-20190811225702506.htm