Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tỉnh tăng cường chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, mở ra cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ những năm tới.
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tỉnh tăng cường chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, mở ra cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ những năm tới.

Nhà thầu tập trung thi công dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Thời gian qua, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) các dự án trọng điểm tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, nút thắt, quyết liệt chỉ đạo, xác định mốc thời gian cụ thể, các công việc cần làm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo được sự chuyển động tích cực.
Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn km 19 - km 53) đã khởi công, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành trước 1 năm, vì vậy, công tác GPMB, xây dựng tái định cư, cũng như việc tổ chức thi công phải tập trung cao độ. Thời gian qua ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sở, ngành, chủ đầu tư. Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho biết, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu qua địa phận huyện Mai Châu khoảng 10,15km, tổng diện tích thực hiện dự án 100,05 ha. Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân bị ảnh hưởng ủng hộ chủ trương triển khai dự án. Đặc biệt phối hợp tốt với các sở, ngành, chủ đầu tư tập trung triển khai công tác bồi thường, GPMB, tháo gỡ vướng mắc các thủ tục liên quan đến đất đai… Đến nay, người dân đã đồng thuận ứng 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình mở rộng) là một trong những dự án chiến lược, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Thủ đô Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc. Sau nhiều năm tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án đầu tư, Chính phủ đã phê duyệt dự án theo hình thức đối tác công tư. Tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng với tinh thần "hành động, quyết liệt, hiệu quả”, chỉ đạo các sở, ngành giải quyết dứt điểm vướng mắc theo thẩm quyền, đặc biệt là rút ngắn thủ tục hành chính, chuẩn bị mặt bằng sạch để khởi công dự án ngày 1/7/2025.
Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng có tổng mức đầu tư trên 3.919 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quản lý. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung và các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy nói riêng. Công trình có dung tích khoảng 91 triệu m3; đập chính cao 53,23m, dài 850,5m; đập phụ cao 36,5m, dài 160,5m. Xây dựng hệ thống đường ống cấp nước dài khoảng 29,012km. Các phần việc đang được triển khai theo kế hoạch, phấn đấu đến ngày 30/4/2025 hoàn thành toàn bộ công trình đầu mối.
Tính đến hết năm 2024, tỉnh Hòa Bình có 14 dự án trọng điểm được BCĐ các dự án trọng điểm tỉnh chỉ đạo triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư. Trong đó có 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); 5 dự án giao thông, thủy lợi đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công và 8 dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Tổng vốn đầu tư dự án trọng điểm 87.196 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 23.732 tỷ đồng, ngoài ngân sách 63.464 tỷ đồng). Năm 2025, tỉnh đã rà soát và bổ sung 10 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách (có 1 dự án sử dụng vốn FDI), nâng tổng số các dự án trọng điểm của tỉnh đến thời điểm này là 24 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 101.925 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 23.732 tỷ đồng, ngoài ngân sách 78.193 tỷ đồng). Đến nay, 10 dự án đã khởi công, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện; 12 dự án dự kiến khởi công trong năm 2025 và 3 dự án dự kiến khởi công sau năm 2025. Quá trình thực hiện, nguyên nhân các dự án triển khai chậm tiến độ do vướng mắc trong GPMB và vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục chuyển đổi đất lúa, rừng, phê duyệt dự án; đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, BCĐ các dự án trọng điểm tỉnh phân công các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp đi kiểm tra tiến độ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong công tác GPMB. Việc chỉ đạo các dự án là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; Mặt trận Tổ quốc các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận của người dân ủng hộ chủ trương đầu tư triển khai các dự án. Đây cũng là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu.
Chỉ đạo các dự án trọng điểm và các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ chủ chốt đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính liên vùng, các dự án ngoài ngân sáchđầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch sinh thái, công nghiệp…