Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 1-6, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tình hình giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng.
Giá trị giải ngân đến ngày 29-5 đạt 3.706 tỷ đồng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 13.530,59 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 13.045,441 tỷ đồng, bằng 96,4% kế hoạch.
Xác định nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, trong 5 tháng đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản; tổ chức 1 hội nghị giao ban toàn tỉnh, quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các địa phương tập trung thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của đơn vị, địa phương.
Đặc biệt trong tháng 5-2023, 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng, đã tổ chức nhiều đoàn làm việc và đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Với những giải pháp quyết liệt nêu trên đã mang lại kết quả tích cực, tính đến ngày 29-5-2023 giá trị giải ngân là 3.706 tỷ đồng (bằng 28,4% kế hoạch giao chi tiết, tuy thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ, nhưng cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, cao hơn 12,8% so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3-2023).
Trong đó một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch như: đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 70,4%, chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước đạt 41,6%...
23 chủ đầu tư và 43 dự án giải ngân đạt 100% kế hoạch
Nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nỗ lực, cố gắng của các chủ đầu tư, toàn tỉnh có 52 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (tăng 9 chủ đầu tư so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3-2023), trong đó có 23 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch.
23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch gồm: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc; Chi cục Kiểm lâm; Huyện ủy Vĩnh Lộc; xã Tam Chung (Mường Lát); các xã Thiên Phủ, Trung Thành, Thành Sơn và xã Hồi Xuân (nay là thị trấn Hồi Xuân), huyện Quan Hóa; các xã Thạch Long, Thạch Quảng (Thạch Thành); các xã Hưng Lộc, Cầu Lộc (Hậu Lộc); các xã Khuyến Nông, Tiến Nông, Hợp Lý, Triệu Thành, Thọ Tân và Thọ Sơn (Triệu Sơn); xã Thăng Thọ (Nông Cống); các xã Vĩnh Khang (nay là xã Ninh Khang), Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) và xã Tùng Lâm (thị xã Nghi Sơn).
Cùng với 23 chủ đầu tư, toàn tỉnh có 43 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch (tăng 18 dự án so với Hội nghị giao ban toàn tỉnh vào đầu tháng 3-2023), với số vốn là 284,695 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thảo luận tại hội nghị cũng như nội dung báo cáo chỉ rõ, mặc dù đạt kết quả tích cực, song quá trình thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đơn cử như tiến độ thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách cấp tỉnh đến ngày 29-5-2023 mới đạt 851,221 tỷ đồng, bằng 32,7% dự toán HĐND tỉnh giao, dẫn đến các dự án không có nguồn để nhập TABMIS và giải ngân khối lượng hoàn thành.
Tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA tiếp tục là điểm nghẽn, mới giải ngân được 11,7%, làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của cả tỉnh.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 29 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển mục đích sử dụng đất; 4 dự án khó khăn vì giá vật liệu tăng cao; 1 dự án khó khăn trong công tác phối hợp giữa các đơn vị; 18 dự án khó khăn, vướng mắc khác; 4 dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Đến nay, còn 61 dự án chưa được quyết định đầu tư. Một số dự án sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, khi tiến hành thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt điều chỉnh dự án lại phát sinh một số nội dung không phù hợp, phải tiếp tục trình điều chỉnh chủ trương đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện…
Chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
Qua phân tích, thảo luận tại hội nghị các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân khách quan là việc thiếu hụt nguồn cung đất đắp, giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trình chậm tiến độ. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với quy trình, thủ tục mới (không phải phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện theo các hướng dẫn mới của Trung ương, các dự án chủ yếu có quy mô nhỏ, nhiều nội dung chưa có hoặc chậm được hướng dẫn). Mặc dù là năm thứ hai thực hiện các chương trình, nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai thực hiện các dự án khởi công mới, nên nhiều chủ đầu tư, địa phương có lúc, có việc vẫn còn lúng túng.
Nguyên nhân chủ quan được xác định đó là năng lực triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan chưa đảm bảo, có mặt còn hạn chế; chưa sâu sát, quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra. Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công... dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán...
Tinh thần, trách nhiệm của các nhà thầu trong việc tổ chức các biện pháp thi công, hoàn ứng vốn còn thấp. Nhiều nhà thầu chưa tập trung máy móc, nhân lực, thiết bị thi công theo hồ sơ trúng thầu nhưng chưa được chủ đầu tư tập trung xử lý, dẫn đến các dự án chậm tiến độ.
Tiến độ lập, thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện chậm, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất các dự án…
Tại hội nghị các đại biểu cũng đã thảo luận và nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành của chính quyền, của các ngành, các địa phương, sự đồng thuận vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 7,6% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, đây là tín hiệu đáng mừng; Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã giao vốn và đang tập trung thực hiện; các Chương trình mục tiêu quốc gia với khối lượng công việc nhiều, song đã hoàn tất các thủ tục để giải ngân giao vốn; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém liên quan đến hoạt động thu ngân sách Nhà nước, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số ngành, địa phương chưa sâu sát, quyết liệt; công tác phối hợp chưa chặt chẽ… và yêu cầu các cấp, các ngành nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền. Nhiệm vụ này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt, cụ thể, sâu sát. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa các ngành với các địa phương; tăng cường hướng dẫn của tỉnh, của các ngành đối với các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mặt bằng và thu ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Dứt khoát đến 30-11-2023 các ngành, địa phương, đơn vị được giao vốn phải giải ngân trên 90% vốn được giao và đến 30-12-2023 phải giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, đơn vị có liên quan nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để sớm giao vốn đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.
Đề nghị các sở, ngành đặc biệt là các sở: Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… quan tâm thực hiện tốt công tác hướng dẫn cho cơ sở, các đơn vị huyện, thị xã, thành phố để hồ sơ đảm bảo chất lượng, rút ngắn thời gian thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường… trên cơ sở pháp luật quy định.
Liên quan đến vấn đề giá nguyên vật liệu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường chỉ đạo công tác niêm yết thông tin giá bán; mở rộng việc cấp phép khai thác mỏ để tăng cường thêm các nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án sắp tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn lưu ý, các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành phải xác định nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.