Tập trung giải quyết hồ sơ thanh niên xung phong còn tồn đọng
4 năm qua đã có hơn 6.000 trường hợp hồ sơ người có công tồn đọng, gần 3.000 trường hợp đã được công nhận liệt sỹ. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đây là kết quả ấn tượng trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng. Qua đó, tạo được niềm tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa có buổi làm việc với Đoàn công tác của Hội cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam để bàn về việc giải quyết chế độ đối với người có công liên quan đến lực lượng TNXP.
Hơn 4.000 hồ sơ TNXP còn tồn đọng
Theo ông Nguyễn Cao Vãng - Trưởng Ban Chính sách và kinh tế Hội cựu TNXP Việt Nam, hiện còn 275 trường hợp TNXP hy sinh trong 31 tỉnh, TP chưa được giải quyết chế độ liệt sỹ. Các trường hợp này đều không còn giấy tờ. Hầu hết hy sinh do ốm đau, tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, còn 4.296 TNXP bị thương trong 33 tỉnh, TP chưa được giải quyết chế độ thương tật. Các trường hợp này đều không còn giấy tờ. Hầu hết bị thương trong kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc và trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và hiện không còn dị vật kim khí trong cơ thể nên không được xem xét giải quyết…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hội cựu TNXP Việt Nam cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm giải quyết xác nhận liệt sỹ đối với TNXP hy sinh làm nhiệm vụ mở đường chiến lược thị xã Lai Châu – Ma Lù Thàng - CT111 (1954 – 1956); xác nhận liệt sỹ đối với 6 TNXP chống Pháp hy sinh tại Lạng Sơn trên công trường khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Năm Quan. Hội cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến với Bộ Y tế và Chính phủ để sớm giải quyết cho cựu TNXP trở lại hưởng mức BHYT 100% như trước đây.
Quyết liệt rà soát, giải quyết hồ sơ tồn đọng
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao trước những hy sinh, đóng góp của lực lượng TNXP trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng đã có nhiều kết quả tích cực, tạo được niềm tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong 4 năm gần đây, với tinh thần công khai và minh bạch, công tác xác nhận người có công ngày càng được thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ bài bản nhưng thấu tình đạt lý, thận trọng, quyết liệt và không cho phép sai sót. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã có hơn 6.000 hồ sơ người có công tồn đọng được xem xét, xác nhận và gần 3.000 trường hợp được công nhận liệt sỹ.
Đối với vấn đề người có công là TNXP, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, toàn bộ hồ sơ của TNXP đã được chuyển giao cho cơ quan quản lý Nhà nước. “Chuyển hồ sơ TNXP từ Hội sang Sở LĐ-TB&XH quản lý là một chủ trương đúng. Những hồ sơ về liệt sỹ hầu hết đã được các địa phương rà soát. Trong 1 năm, Chính phủ đã công nhận liệt sỹ cho 18 TNXP. Đây là một thành công rất lớn trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với các cựu TNXP”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định.
Với 56 trường hợp TNXP hy sinh khi làm đường chiến lược thị xã Lai Châu - Ma Lù Thàng - CT111 (1954 - 1956), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hội cựu TNXP chủ động tổ chức cuộc làm việc với các địa phương, yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ và tập hợp lại trước ngày 7-5-2020. Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Hội rà soát từng hồ sơ để xác định những trường hợp có đủ điều kiện và sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ công nhận trước ngày 27-7.
Về chính sách bảo hiểm y tế, Bộ LĐ-TB&XH đồng ý với nguyên tắc đề xuất của Hội cựu TNXP Việt Nam là giải quyết cho cựu TNXP hưởng mức bảo hiểm y tế 100% như trước đây. “Bộ sẽ có ý kiến bằng văn bản và Bộ trưởng sẽ thể hiện chính kiến tại cuộc họp Chính phủ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin đến Hội cựu TNXP Việt Nam, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này sẽ có riêng 1 chương về giải quyết hồ sơ tồn đọng. Trong đó, giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc giải quyết hồ sơ tồn đọng. Ngoài ra, công tác xây dựng những văn bản dưới Lệnh, Pháp lệnh cũng đóng vai trò quan trọng để hướng dẫn các cơ quan liên quan, địa phương thực hiện giải quyết hồ sơ tồn đọng.