Tập trung giảm nghèo bền vững

Hỗ trợ việc làm bền vững để giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: KIM CHI

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ, triển khai nhiều giải pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ xóa nhà tạm

Công ty Điện lực Phú Yên vừa tổ chức nghiệm thu, bàn giao nhà Tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Điện ở thôn 3, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân. Căn nhà có diện tích 60m2, tường gạch, nền lát gạch men, mái lợp tôn với chi phí xây dựng 180 triệu đồng. Trong đó, Công ty Điện lực Phú Yên hỗ trợ 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Điện đã lớn tuổi, không còn sức lao động, sống dựa vào sự chăm sóc của con cái. Lâu nay, ông ở một mình trong căn nhà tạm, không bảo đảm an toàn. Được sự hỗ trợ từ Công ty Điện lực Phú Yên và người thân, ông đã xây được nhà kiên cố. Ngày về nhà mới, ông Điện vui mừng nói: Sống cả đời, giờ gần đất xa trời mới có được căn nhà khang trang thế này, tôi thật sự mãn nguyện. Giờ chỉ mong đủ mạnh khỏe, sống vui vẻ cùng con cháu.

Theo Công ty Điện lực Phú Yên, đây là ngôi nhà thứ ba mà đơn vị hỗ trợ theo chương trình xây nhà Tình nghĩa do Tổng công ty Điện lực Miền Trung phát động thực hiện trong năm nay tại 13 tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên với tổng số 70 nhà. Tại Phú Yên, 5 hộ hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ để xây nhà.

Tại TP Tuy Hòa, Ủy ban MTTQ thành phố cũng vừa bàn giao nhà Tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hồng Như ở xã An Phú. Căn nhà rộng 45m2 với kinh phí xây dựng 120 triệu đồng. Trong đó, 50 triệu đồng được hỗ trợ theo phong trào “Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách” trên địa bàn tỉnh, còn lại vốn đối ứng của địa phương và gia đình, cộng đồng hỗ trợ.

Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa Phạm Hiểu khẳng định “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải là lời hô hào suông, mà đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc của cộng đồng xã hội. Nhiều năm qua, công tác vận động chăm lo cho người nghèo đã được các cấp, ngành và người dân trên địa bàn thành phố hưởng ứng, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến, Ban Vận động Quỹ Vì người nghèo thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia ủng hộ quỹ để có thêm điều kiện giúp đỡ người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương”, ông Phạm Hiểu cho biết.

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), phong trào xóa nhà tạm cho hộ nghèo đang lan tỏa trong toàn tỉnh qua nhiều kênh khác khau. Đây là một trong những giải pháp tạo động lực để hộ nghèo có cơ hội an cư, lạc nghiệp, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình để giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo như: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người dân ở vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững…

Đại diện chính quyền địa phương và Agribank Tuy Hòa bàn giao nhà Tình nghĩa cho hộ cận nghèo ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa. Ảnh: VIỆT AN

Đại diện chính quyền địa phương và Agribank Tuy Hòa bàn giao nhà Tình nghĩa cho hộ cận nghèo ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa. Ảnh: VIỆT AN

Tập trung toàn lực

Những năm qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai… đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế; điều kiện sản xuất, trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, giá cả không ổn định…

Hộ nghèo, cận nghèo thường rơi vào các hộ không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất kinh doanh; không có người lao động hoặc có người ốm đau, bệnh nặng… Hầu hết các địa phương đã cố gắng triển khai công tác giảm nghèo; các địa bàn rà soát đều thực hiện đầy đủ quy trình, quy định. Tính đến cuối năm 2022, tỉ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh (gồm hộ nghèo và cận nghèo) là 12,12%, tương đương với 31.882 hộ.

Bà Đỗ Thị Thúy Vân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy An chia sẻ: Để tiếp tục triển khai công tác giảm nghèo hiệu quả, huyện đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó hướng dẫn một số nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025… Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn triển khai đúng đối tượng hộ nghèo để giúp họ có cơ hội thoát nghèo.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh đang tập trung hỗ trợ công tác giảm nghèo thông qua việc tiếp tục tập trung tuyên truyền về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ đó góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.

Tỉnh cũng sẽ phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị, gia đình, dòng họ trong việc huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ giảm nghèo, giám sát, hướng dẫn hộ nghèo quản lý chi tiêu trong gia đình và hướng dẫn cách thức tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất, vệ sinh môi trường; làm cho người nghèo nhận thức được trách nhiệm giảm nghèo là việc của bản thân người nghèo, hộ nghèo để họ tự giác, chủ động thực hiện và có trách nhiệm hơn nữa đối với bản thân, gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời chú trọng tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật đến đối tượng chính sách, người nghèo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin nói chung và tiếp cận pháp luật nói riêng của người nghèo…

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025); 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; 50% hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Tỉnh cũng phấn đấu xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300981/tap-trung-giam-ngheo-ben-vung.html