Tập trung giám sát, tháo gỡ các vấn đề người dân bức xúc

Thời gian qua, hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội đã ưu tiên khảo sát, giám sát các vấn đề dân sinh bức xúc, qua đó kịp thời phát hiện bất cập trong thực hiện chính sách, giải quyết vấn đề phát sinh ngay từ địa bàn. Ðây là cơ sở quan trọng để tạo dựng niềm tin của nhân dân, góp phần tích cực nâng cao vị trí, vai trò hoạt động của cơ quan dân cử.

Ðại diện các ban HÐND thành phố Hà Nội khảo sát thực địa về công tác quản lý nhà của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. (Ảnh VIỆT TUẤN)

Ðại diện các ban HÐND thành phố Hà Nội khảo sát thực địa về công tác quản lý nhà của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. (Ảnh VIỆT TUẤN)

Dân số đông và tăng nhanh, trong khi nhiều dự án xây dựng trường học chậm triển khai khiến nhiều địa bàn tại Hà Nội bị thiếu lớp học. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đây cũng là vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Ngày 8/6 vừa qua, tổ đại biểu số 10 Hội đồng nhân dân (HÐND) thành phố Hà Nội đã giám sát các dự án xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn quận Hà Ðông. Kết quả giám sát cho thấy, tại các khu đô thị Văn Khê, Phú Lương, Dương Nội và khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, quận Hà Ðông có bố trí 22 dự án công trình trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) song đến nay mới có tám dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng, các dự án còn lại đều chậm so với quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư. Quận Hà Ðông hiện có 138 trường học, trong đó có 97 trường công lập, chưa kể nhiều học sinh ở Khu đô thị Thanh Hà thuộc huyện Thanh Oai, nằm sát cạnh quận Hà Ðông sang xin học rất nhiều, đã gây áp lực cho việc tuyển sinh đầu cấp và tình trạng quá tải học sinh. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Ðông Phạm Thị Hòa, việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Hiện mỗi năm trên địa bàn quận tăng từ 6.000-7.000 học sinh, sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ. Dự báo 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng.

Ngay tại buổi giám sát, ông Nguyễn Thanh Xuân - Tổ trưởng Tổ đại biểu số 10 HÐND thành phố Hà Nội đề nghị các chủ đầu tư chủ động triển khai các dự án, hoàn thiện thủ tục pháp lý để hoàn thiện sớm các dự án trường học. Ðồng thời, yêu cầu quận Hà Ðông cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng, thường xuyên giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ dự án.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có sáu đợt giám sát, khảo sát chuyên đề được Thường trực HÐND, các ban, tổ đại biểu HÐND thành phố thực hiện. Tại đợt giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố, Ðoàn giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà, đất công hiện nay như: tình trạng sử dụng đất, nhà lãng phí, không đúng mục đích, chưa phát huy được nguồn lực từ đất. Từ đó, Ðoàn giám sát kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý nhà, đất công.

Tương tự, trong đợt giám sát về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn, Ban Văn hóa-Xã hội HÐND thành phố đã tập trung đi sâu vào các nội dung được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị hiện nay như công tác đôn đốc thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội bảo đảm quyền lợi cho người lao động; việc giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội… Qua đó kiến nghị với UBND thành phố một số giải pháp nhằm phát triển số lượng và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần vào hoàn thành mục tiêu công tác an sinh xã hội của Thủ đô.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022, Thường trực HÐND, các ban, tổ đại biểu HÐND thành phố sẽ thực hiện hơn 10 đợt giám sát, khảo sát chuyên đề. Ðây đều là những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, kiến nghị ở các cuộc tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp HÐND thành phố liên quan công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt; công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở y tế; quản lý lòng, hè đường; công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch chung ra ngoài khu vực nội thành.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, HÐND thành phố sẽ tổ chức giám sát tới tận thôn, tổ dân phố, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể nhằm đổi mới cách tiếp cận đơn vị chịu sự giám sát. Kết luận của các cuộc giám sát, khảo sát được lựa chọn, sử dụng làm căn cứ để Thường trực HÐND thành phố tổ chức chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; từ đó yêu cầu các cơ quan, chính quyền phải xác định giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý bất cập, hạn chế, vướng mắc.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/tap-trung-giam-sat-thao-go-cac-van-de-nguoi-dan-buc-xuc-701158/