Tập trung gieo cấy lúa Đông xuân sớm

Thời điểm này, nông dân các xã vùng trũng ven đê thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn đang tập trung vật tư, nhân lực, khẩn trương gieo cấy lúa Đông xuân sớm, để đảm bảo thời vụ, thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn về.

Nông dân xã Gia Tân, huyện Gia Viễn cấy lúa Đông xuân sớm. Ảnh: Anh Tuấn

Nông dân xã Gia Tân, huyện Gia Viễn cấy lúa Đông xuân sớm. Ảnh: Anh Tuấn

Trên cánh đồng ngoài khu vực đê tả sông Hoàng Long, thuộc xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn rất đông nông dân đang tất bật, người nhổ mạ, người cấy lúa, chạy đua với thời gian để hoàn thành việc gieo cấy trước khi có đợt không khí lạnh mạnh tràn về.

Bà Phạm Thành Hợp, xã Gia Tiến đổi công được với 5 gia đình khác để cấy hết 1 mẫu ruộng của gia đình. “Cả năm chỉ trông chờ vào một vụ Đông xuân này nên bà con chúng tôi phải rất cẩn trọng, làm sao vừa khéo léo né được thời tiết rét đậm, rét hại trong mùa đông, vừa đảm bảo đúng thời vụ để lúa chín, thu hoạch trước khi lũ tiểu mãn tháng 5 về.

Thực ra, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phán đoán thời tiết, lựa chọn thời điểm xuống giống phù hợp nên nhiều năm nay chưa để trường hợp lúa bị chết rét phải cấy lại lần nào, sản xuất liên tục được mùa…” -bà Hợp chia sẻ.

Cũng theo bà Hợp, để đẩy nhanh tiến độ, các hộ dân thường đổi công cho nhau nên mỗi gia đình chỉ cần 1-2 ngày là hoàn thành việc gieo cấy. Đặc biệt, liên tiếp mấy vụ gần đây, giá lúa duy trì ở mức cao, có lãi nên ai cũng đầu tư, chọn giống tốt, chăm bón bài bản, áp dụng quy trình kỹ thuật được khuyến cáo như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... cho năng suất và chất lượng tốt.

Để đảm bảo một vụ lúa thắng lợi, căn cứ điều kiện thực tế ở địa phương, huyện Gia Viễn đã xây dựng khung lịch thời vụ xuống giống lúa Đông xuân sớm 2024- 2025: Gieo mạ từ ngày 01/12-15/12/2024, cấy tập trung từ ngày 01/01-15/01/2025, xong trước ngày 20/01/2025.

Theo tổng hợp nhanh từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến thời điểm này, nông dân các xã vùng trũng, ngoài đê trên địa bàn đã hoàn thành việc làm đất, gieo mạ cho 100% trà lúa Đông xuân sớm, một số xã như Gia Tiến, Gia Tân, Gia Trung, bà con đã bắt đầu xuống đồng cấy lúa, diện tích cấy đạt khoảng 10 ha. Đối với huyện Nho Quan, nông dân các xã vùng trũng như Lạc Vân, Gia Tường, Gia Thủy, Đức Long... cũng đang tập trung bảo vệ, chăm sóc mạ, làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ Đông xuân sớm.

Đồng chí Đinh Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy cho biết: Với 25% diện tích cấy trà Đông xuân sớm (khoảng 90 ha), xã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để sản xuất ăn chắc, đảm bảo an ninh lương thực cũng như ổn định đời sống người dân.

Ngay từ tháng 11/2024, chúng tôi đã yêu cầu HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức tốt các khâu dịch vụ phục vụ bà con, đặc biệt việc làm đất phải đảm bảo nhanh, gọn, đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, phối hợp với các thôn, xóm tăng cường bảo vệ nguồn nước và thực hiện điều hành tháo, mở cống, chủ động sửa chữa các tuyến kênh mương và lắp đặt hệ thống máy bơm đảm bảo đủ nước sản xuất.

Hiện nay, đã gieo xong mạ, việc làm đất cũng đã hoàn thành cơ bản, vài ngày tới nếu thời tiết thuận lợi sẽ tập trung cấy để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Ngành chuyên môn khuyến cáo, hiện nay đang là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm, do vậy, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến thời tiết trên địa bàn, các bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến rét đậm, rét hại, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Đối với diện tích mạ đã gieo nhưng chưa cấy, phải giữ nước thường xuyên trên mặt luống từ 2-3 cm để dưỡng mạ và giữ ấm cho chân mạ; thực hiện che phủ nilon toàn bộ diện tích mạ đã gieo, chăm sóc và bảo vệ mạ theo đúng quy trình kỹ thuật.

Đối với diện tích trà lúa đã cấy, phải giữ nước thường xuyên trên mặt ruộng từ 3-4 cm để dưỡng lúa và giữ ấm cho lúa; đồng thời thực hiện tốt việc chăm sóc, bón phân, làm cỏ và bảo vệ lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Không bón thúc phân đạm vào những ngày có nền nhiệt độ thấp dưới 15 độ C, đảm bảo cho cây lúa cấy sinh trưởng tốt.

Đối với diện tích lúa mới cấy gặp trời rét đậm, cây lúa có biểu hiện không phát triển, nhiều diện tích lúa có thể bị nghẹt rễ sinh lý do giá rét, bà con nông dân nên bón bổ sung phân Supe lân với lượng 8-10kg/sào để giữ ấm và kích thích cho rễ lúa phát triển.

Ngành chuyên môn, các địa phương đã và đang phân công cán bộ xuống cơ sở nắm vững tình hình sản xuất, hướng dẫn nông dân các biện pháp gieo trồng, chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, thời vụ sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tap-trung-gieo-cay-lua-dong-xuan-som-839008.htm