Tập trung gieo sạ đúng tiến độ

Nông dân xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cày ruộng chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Ảnh: LÊ TRÂM

Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh phấn đấu gieo sạ 26.000ha lúa. Cùng với đó, các địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng theo hướng liên kết để nâng cao chuỗi giá trị.

Diệt cỏ dại, ốc bươu vàng từ đầu vụ

Những ngày qua, trên các cánh đồng xã Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam, Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nhiều nông dân lái máy cày lội ruộng cày ải chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân. Việc cày ải sớm là hết sức cần thiết vì sau vụ hè thu vừa qua, qua 3 tháng bỏ hoang, cỏ dại, lúa chét mọc dày trên các cánh đồng, là cầu nối gây sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân sắp đến. Theo nông dân Trần Văn Tấn ở xã Hòa Quang Nam, máy cày lật đất vùi cỏ dại, gốc rạ xuống bùn.

Cùng với đó, bà con nông dân tiến hành bắt ốc bươu vàng vừa bảo vệ mùa màng vừa bán cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm kiếm thêm thu nhập. Thường vụ đông xuân gieo sạ dễ bị mất giống do ốc bươu vàng cắn phá. “Ốc bươu đen đẻ trứng ngay mặt nước, trở thành mồi cho các loại cá ăn; còn ốc bươu vàng đẻ trứng cách mặt nước gang tay, nên chúng đẻ trăm trứng còn nguyên trăm trứng. Nguy hại hơn nữa, ốc bươu vàng nở ra to chỉ bằng chân nhang đã cắn phá lúa và phát triển thành con trưởng thành sau một thời gian ngắn”, ông Tấn nói.

Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Vụ đông xuân này, huyện Phú Hòa gieo sạ 5.500ha. Chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, thời gian qua, các HTX nông nghiệp tích cực vận động xã viên cày ải, cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, thu dọn tồn dư thực vật trên ruộng trước khi gieo sạ.

Cùng với huyện Phú Hòa, hiện nay trên các cánh đồng của huyện Tây Hòa, nông dân cũng đang cày ải, cải tạo đất sản xuất vụ lúa đông xuân. Năm nay, địa phương này gieo sạ 6.500ha lúa đông xuân, nhưng khó khăn hiện nay là nông dân có tâm lý sợ mưa lụt khi sạ, ốc bươu vàng gây hại không có mạ dặm nên thường sạ dày 100kg/ha. Bà Bùi Thị Lan ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Vùng này có dây ruộng trũng, nông dân sạ dày để trừ hao khi lúa chết do ngập úng nước.

Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, hiện nay, ngành Nông nghiệp khuyến cáo giảm mật độ sạ còn 80kg/ha để năng suất cao hơn và giảm chi phí. Huyện đã chỉ đạo các HTX vận động nông dân thực hiện tốt lịch thời vụ, đồng thời gieo sạ cuốn chiếu để thuận lợi trong việc tưới tiêu cho cây lúa.

Tiếp tục chuyển đổi cây trồng

Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2019-2020, nông dân tập trung gieo sạ từ ngày 20/12, thế nhưng hiện nay do ảnh hưởng không khí lạnh, trời có mưa, một số cánh đồng ven biển ngập nước và triều cường khó gieo sạ đúng lịch thời vụ. Ông Cao Văn Tiên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: Ở một số cánh đồng trũng ven biển như Bàu Bèo, đồng Năng (xã An Cư); đồng Tiệm, Cây 2 (xã An Ninh Đông), nông dân chờ nước mặn rút, sạ sau. Tùy theo thời tiết từng năm, có năm qua Tết mới sạ giống lúa chịu mặn. Trên cánh đồng ngập mặn của xã An Cư, khó sạ lúa, nông dân chuyển sang trồng lát đan chiếu…

Còn tại huyên Đồng Xuân, theo kế hoạch vụ đông xuân này, địa phương tiếp tục chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả do thiếu nước sang trồng chuyên canh cây màu ít sử dụng nước tưới. Năm 2019, huyện Đồng Xuân triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả thuộc dự án Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại thị trấn La Hai trên diện tích 8ha, với 56 hộ tham gia, loại giống đậu phộng LDH.01 và TB25. Kết quả năng suất giống LDH.01 là 44 tạ/ha và giống TB25 là 40 tạ/ha, giá bán 14.000 đồng/kg, nông dân thu nhập cao hơn trồng lúa 10 triệu đồng/ha. Vụ đông xuân này, huyện Đồng Xuân tiếp tục triển khai mô hình trồng đậu phộng trên các diện tích đất thiếu nước để tăng thu nhập cho người dân. Cùng với huyện Đồng Xuân, vụ đông xuân 2019-2020, các địa phương trong tỉnh chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác trên diện tích 598ha.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh gieo sạ 26.000ha. Các xứ đồng trồng lúa kém hiệu quả, bà con nông dân nên chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày khác. Các địa phương cần vận dụng theo các cơ chế, chính sách được Nhà nước hỗ trợ để hướng dẫn, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đồng thời phổ biến chính sách hỗ trợ để nông dân đăng ký chuyển đổi. Đối với vùng chủ động và an toàn về nguồn nước, nông dân cần gieo sạ gọn, tập trung, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cao. Theo đó, khu vực chủ động tưới trong hệ thống thủy nông các hồ đập, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12/2019-10/1/2020. Đồng thời tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện cụ thể bố trí gieo sạ gọn, tập trung theo từng vùng để lúa trổ bông sau tiết Kinh Trập và thu hoạch khoảng trung tuần tháng 4/2020. Các khu vực cao, ngoài hệ thống thủy nông, hồ đập thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và TX Sông Cầu có thể tiến hành gieo sạ sớm từ đầu tháng 12. Riêng các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa..., khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1-10/1/2020 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống.

Trong kế hoạch chuyển đổi cây trồng, các địa phương cần tập trung hướng đến thực hiện chuyên canh vùng trồng cây màu, nhất là những cây ngắn ngày, giúp thuận tiện trong việc áp dụng cơ giới hóa; đồng thời kiểm soát giống cây trồng tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/232494/tap-trung-gieo-sa-dung-tien-do.html