Tập trung gieo sạ nhanh gọn lúa đông xuân

Nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) ra đồng sạ lúa cho kịp thời vụ. Ảnh: LÊ TRÂM

Đầu vụ gieo sạ, do ảnh hưởng không khí lạnh, trời mưa, nông dân tạm dừng gieo sạ lúa. Những ngày qua, thời tiết nắng dần, nông dân trong tỉnh khẩn trương cày đất, tiến hành gieo sạ đồng loạt nhanh gọn lúa vụ đông xuân.

Đánh mương rãnh sâu để tiêu thoát nước

Trên cánh đồng xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), nông dân tập trung ra đồng sạ lúa đông xuân. Bà Bùi Thị Hồng, đang moi rãnh thoát nước, cho hay: Ruộng nhà tôi vừa sạ, trời vẫn còn mưa rải rác nên tôi cắt đường nước (rãnh thoát nước) trong ruộng to và sâu để thoát nước nhanh. Tuy nhiên, có chỗ bừa kéo láng không đều nên đọng nước, tôi phải moi thêm rãnh để nước rút nhanh.

Còn tại các cánh đồng xã Hòa Trị, Hòa An (huyện Phú Hòa), nông dân cũng đang khẩn trương gieo sạ lúa đông xuân. Ông Lê Đức Đồng ở xã Hòa An, cho hay: Ruộng nhà tôi sạ mới 5 ngày, lúa vừa nhú mầm thì gặp mưa phùn, nhưng nhờ đánh rãnh thoát nước nên lúa không bị ngập úng. Vụ này tôi chọn giống lúa TBR1 sạ, giống này chống chịu sâu bệnh và không đổ ngã, năng suất lại cao.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2020-2021, huyện Phú Hòa gieo sạ 5.385ha, các xã trong huyện áp dụng mô hình sản xuất giống mới TBR1, Hà Phát 3, ANS1, HT1, PY14, CH133. Các giống lúa này phù hợp với cơ cấu giống ở địa phương, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Theo bà Trần Thị Nguyệt, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, vụ đông xuân này, các HTX tiếp tục ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Giống cây trồng Đông Nam, Công ty Giống cây trồng Giang Nam và Công ty Giống cây trồng Nha Hố. Hình thức thu mua là cân lúa tươi tại ruộng, giá 1kg lúa tươi bằng 1kg lúa khô theo giá tại thời điểm, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cánh đồng từ xã Hòa Bình 1, Hòa Đồng, Hòa Tân Tây, Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), nông dân gieo sạ rộ lúa đông xuân, tuy nhiên nhiều diện tích gieo sạ xong bị ốc bươu vàng cắn phá. Ông Trần Văn Long ở xã Hòa Bình 1, cho hay: “Tôi vừa sạ xong đám ruộng. Do sạ thưa nên phải phòng trừ ốc bươu vàng từ đầu vụ”. Ông Đào Văn Roa, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Vụ đông xuân, toàn huyện gieo sạ 6.614ha, các xã trong huyện triển khai mô hình sử dụng giống cấp xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ. Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng ứng dụng cơ giới hóa. Ngành Nông nghiệp khuyến khích phát triển cánh đồng lớn và sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy việc thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp có hiệu quả.

Trên cánh đồng xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nông dân đổ xô ra đồng sạ lúa cho kịp thời vụ. “Trời hửng nắng, nông dân tranh thủ xuống giống. Thường đám ruộng 1 giạ giống (1.000m2) cắt 3 đường nước thì vụ này thời tiết thường mưa, đánh rãnh cắt 5-6 đường nước, moi sâu cho ruộng mau rút nước”, ông Nguyễn Tâm, nông dân ở xã Xuân Phước nói.

Sạ muộn để tránh mất giống

Những ngày qua, do ảnh hưởng triều cường, cánh đồng xã Hòa Tâm, phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) nước mặn lấn sâu nên bị ngập. Ông Nguyễn Văn Trình ở xã Hòa Tâm đang be bờ đám ruộng, cho hay: So với lịch thời vụ chung thì vùng này sạ lùi lại vì đất nhiễm mặn, chờ qua đợt triều cường mới sạ, tránh mất giống.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, cho biết: Vụ đông xuân 2020-2021, TX Đông Hòa gieo sạ hết 4.598ha, trong đó có 200ha đất nhiễm mặn. Đối với diện tích ảnh hưởng triều cường, nước rút đến đâu nông dân gieo sạ đến đó nhanh gọn theo từng vùng, không để diện tích nào bỏ hoang. Cùng với đó, TX Đông Hòa xây dựng nhiều mô hình về giảm lượng giống gieo sạ, giống chất lượng, áp dụng cơ giới hóa mang lại thu nhập cao trên một đơn vị diện tích.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân này, huyện Tuy An gieo sạ gần 2.820ha. Tuy nhiên vừa qua, các cánh đồng Cây Hai, Ngũ Năm, Đồng Tiệm do ảnh hưởng triều cường nên nước mặn ngập sâu. Theo dự báo thời tiết, cuối tháng 12 có đợt triều cường mạnh, HTX Nông nghiệp Đông An Ninh vận động nhân dân nước rút đến đâu bừa đất gieo sạ đến đó để kịp lịch thời vụ chung.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Đối với đất thường xuyên nhiễm mặn, huyện đã hướng dẫn người dân lùi thời gian gieo sạ. Ngay từ đầu vụ, HTX tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo tiêu thoát, đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng rửa mặn phóng phèn, kịp thời xuống giống gieo sạ.

Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2020-2021, nông dân gieo sạ từ ngày 20/12/2020-10/1/2021. Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc huyện Tuy An, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa, khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1-10/1/2021 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống.

Vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh gieo sạ 26.500ha, trong đó có 600ha bị nhiễm mặn. Ruộng gieo sạ cần lên liếp hay đánh mương rãnh sâu để tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa. Địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết và căn cứ điều kiện cụ thể từng vùng để xác định lịch thời vụ phù hợp, xuống giống tập trung, nhanh gọn; hạn chế đến mức thấp nhất tác động xấu do thời tiết gây ra.

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/250589/tap-trung-gieo-sa-nhanh-gon-lua-dong-xuan.html