Tập trung giữ chặt vùng an toàn

Ngày 17/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch. Tham dự cuộc họp tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Phun hóa chất khử khuẩn khu nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Phun hóa chất khử khuẩn khu nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy phần lớn các ca Covid-19 phát hiện mới là trong các khu cách ly, phong tỏa; thành phố đang tập trung điều trị cho các ca F0 nặng nhằm giảm số ca tử vong. Thành phố xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời, bệnh viện dã chiến điều trị các ca F0 ở các mức độ khác nhau; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thiết lập hệ thống quản lý, điều phối ca F0 trên địa bàn... Để công tác xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí sức lực và vật tư, nhanh chóng xác định và tách ca F0 ra khỏi cộng đồng, thành phố thực hiện phương châm xét nghiệm "rõ-nghiêm- chắc - nhanh"…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh phân công các sở, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể cùng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên từng địa bàn, đặc biệt những khu vực trọng tâm, trọng điểm; đề nghị các lực lượng tăng cường kiểm tra, tự quản lý người ra vào và các hoạt động ở khu cách ly, phong tỏa; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; phân công nhiệm vụ cụ thể của từng chốt trong khu vực phong tỏa. Khi có tình huống xuất hiện, phải có người đứng ra chỉ huy, xử lý kịp thời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly. Đồng thời cần tăng cường công tác vận chuyển ca F0 đến các cơ sở điều trị, đặc biệt những trường hợp có triệu chứng trở nặng. Bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu để ổn định đời sống người dân; động viên người dân cố gắng khắc phục khó khăn để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Việc vận chuyển, phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm phải "tuyệt đối an toàn", gắn trách nhiệm cho từng siêu thị, cửa hàng…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành phố nhanh chóng lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, sớm bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng để giữ chặt, giữ chắc các vùng xanh an toàn. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá tổng thể năng lực xét nghiệm để có biện pháp điều phối hiệu quả. Việc lấy mẫu phải bảo đảm giãn cách an toàn, chống lây nhiễm chéo; tăng cường lấy mẫu tận từng gia đình…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tuyệt đối không để các y, bác sĩ trên tuyến đầu thiếu vật tư, trang thiết bị y tế chống dịch; không để tình trạng các bệnh viện vừa lo chống dịch, vừa lo mua vật tư, trang thiết bị... Do vậy, TP Hồ Chí Minh phải sớm thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực…

Trưa 17/7, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong cho biết, trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, tỉnh thực hiện theo hướng cập nhật liên tục, thường xuyên hơn. Hiện, Đồng Tháp đã xây dựng kịch bản và đã có những phương án để bảo đảm việc thực hiện các tình huống xấu hơn, số ca nhiễm cao hơn...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Đồng Tháp có các biện pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch, nhất là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Để thực hiện cho được mục tiêu kép, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cố gắng bảo vệ các "cứ điểm" doanh nghiệp còn lại, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, nếu doanh nghiệp nào không bảo đảm thực hiện ba tại chỗ thì cho tạm dừng hoạt động.

Tỉnh cần chú ý cách lấy mẫu xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, không làm tràn lan. Cần ứng dụng tốt công nghệ trong việc truy vết, dập dịch nhanh. Đồng thời, cần phát huy vai trò của đoàn thể chính trị, hệ thống mặt trận trong phòng, chống dịch. Các ngành, các cấp nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau ngay trong mùa dịch để bảo đảm an sinh xã hội… Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn; kiểm tra tình hình điều trị và thăm hỏi các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu điều trị, cách ly tập trung ký túc xá sinh viên phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị thành phố phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu đói. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin, phải bảo đảm giãn cách, không tập trung đông người; lưu ý bảo vệ sản xuất.

Phó Thủ tướng đề nghị TP Cần Thơ nâng cao công suất xét nghiệm, chuẩn bị giường hồi sức tích cực (ICU), ECMO…; mỗi quận, huyện cần chuẩn bị có đủ năng lực để điều trị ca F0 nhẹ theo tinh thần bốn tại chỗ. Lãnh đạo thành phố cần tính toán phương thức quản lý F0, F1, F2…, trường hợp nào hướng dẫn điều trị, cách ly tại nhà, trường hợp nào phải nhập viện điều trị, cách ly tập trung để bảo đảm tinh thần, sinh hoạt và không lây nhiễm chéo. Chuẩn bị thật tốt và thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 17/7, Việt Nam ghi nhận 3.718 ca mắc mới Covid-19, gồm 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh (tại TP Hồ Chí Minh, An Giang, Hà Nội, Kiên Giang) và 3.705 ca ghi nhận trong nước tại 31 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Bến Tre, Đà Nẵng, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Trà Vinh, Hưng Yên, Bình Phước, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Thuận, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc. Trong số những ca được ghi nhận đó có 2.959 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Ngày 17/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc họp trực tuyến với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP Hồ Chí Minh về các vấn đề liên quan đến công tác điều trị nhằm giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do Covid-19. Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP Hồ Chí Minh để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng; thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.

Tại cuộc họp sáng 17/7, Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 đặt mục tiêu năm 2021 trong nước sản xuất thành công ít nhất một loại vắc-xin Covid-19. Các thành viên tham dự cuộc họp đã cùng thảo luận, thống nhất kế hoạch mời chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam; thúc đẩy nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax và vắc-xin COVIVAC trong nước; thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc-xin chuyển giao công nghệ.

PV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tap-trung-giu-chat-vung-an-toan-655542/