Tập trung khắc phục diện tích cà phê bị thiệt hại do sương muối, băng giá
Đợt rét đậm diễn ra trong ngày 12 và 13/1, trên địa bàn Thành phố Sơn La xuất hiện sương muối đã khiến nhiều diện tích cà phê ở xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Hua La bị ảnh hưởng, một số diện tích bị cháy khô. Thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát, triển khai các biện pháp giúp nhân dân phục hồi diện tích cà phê bị ảnh hưởng.
Ghi nhận tại bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, đứng từ đầu dốc vào bản, nhìn xuống thung lũng, vệt cà phê bị sương muối cháy kéo dài từ đầu bản tới cuối bản. Ông Phạm Văn Bình, Lô 1, bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, Thành phố, nói khôn khỏi xót xa: Nhà tôi có 8.000 m2 cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình. Rét và sương muối làm khoảng 3.000 m2 bị táp lá, nếu thời tiết kéo dài cà phê sẽ bị thiệt hại nhiều.
Một số vườn cà phê của nông dân bản Tam Quỳnh cũng bị ảnh hưởng do thời tiết sương muối ngày hôm qua. Ông Quàng Văn Hương, bản Tam Quỳnh, xã Chiềng Đen, buồn bã nói: Gia đình tôi có hơn 2 ha diện tích trồng cây cà phê, năm 2024, thu hoạch khoảng 14 tấn quả. Cà phê có hiện tượng táp lá, cháy ngọn, chết hoa. Cán bộ khuyến nông xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố đã xuống bản hướng dẫn cách chăm sóc, triển khai ngay các giải pháp khắc phục.
Thành phố có gần 5.000 ha cà phê, tập trung tại các xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, phường Chiềng An và phường Chiềng Sinh. Hai ngày qua, sương muối ảnh hưởng nhiều nhất ở xã Chiềng Cọ và Chiềng Đen. Hiện nay, UBND Thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và UBND các xã, phường rà soát, thống kê diện tích, đánh giá mức độ cây trồng bị thiệt hại, kịp thời hỗ trợ nông dân. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố phối hợp với UBND các xã, phường phân công cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối gây ra đối với cây trồng; vận động nhân dân đưa giống cà phê mới cho năng suất cao, có khả năng chịu được sương muối vào ghép thay thế giống cũ.
Chị Vũ Thị Minh Châu, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Sơn La, chia sẻ: Trung tâm đang hướng dẫn nông dân dùng nilon loại trong suốt che phủ tạo hiệu ứng trong những ngày rét đậm, rét hại đối với vườn cà phê giống. Hàng ngày tưới đủ ẩm, ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ để giữ ấm và giữ ẩm cho cây. Khi có hiện tượng sương muối tiến hành hun khói, phun nước vào buổi sáng.
Đối với diện tích cà phê bị héo lá, cành non, tiến hành cắt bỏ những cành cà phê đã bị cháy, từ vị trí cành bị hư cắt sâu vào khoảng 5cm để hạn chế cây bị thoát hơi nước cần thu gom cỏ dại và cành lá tủ cho gốc cà phê. Tưới nước, bón phân và chăm sóc để cây cà phê sinh trưởng.
Đối với các diện tích cây bị thiệt hại nặng bà con khẩn trương cưa đốn. Khi cắt cây xong dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, bón phân và tưới nước để giúp cây sinh trưởng phát triển thân mới và phân cành nhanh, thực hiện tỉa chồi theo quy trình. Thu gom cành, lá và rơm rạ làm vật liệu tủ quanh gốc, kết hợp tủ gốc bằng mùn và các vật liệu giữ ấm, giữ ẩm cho gốc cây không bị khô. Kịp thời đốn tỉa, cây cà phê tái sinh, sau khoảng 2 năm cho thu hoạch. Tránh trường hợp, cây cà phê chết đến rễ và phải trồng mới. Khi đó, thời gian cho thu hoạch phải đợi đến 4 năm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 9/1/2025, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C. Để chủ động ứng phó với thời tiết, giảm thấp nhất thiệt hại diện tích cây cà phê do sương muối, băng giá, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh cho cây cà phê, áp dụng kỹ thuật chăm sóc giúp cây sớm được phục hồi.