Tập trung khắc phục hậu quả dịch Covid -19, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Sáng 26.6, Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI tiến hành thảo luận tại hội trường.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường

Quang cảnh thảo luận tại hội trường

Các đại biểu tham gia thảo luận đã tập trung làm rõ tác động tiêu cực của dịch Covid 19 và đề xuất nhiều giải pháp nhằm khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những tháng cuối năm 2020.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hưng cho biết tình hình thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn, hụt thu lớn cả thu thường xuyên và thu tiền sử dụng đất. Tổng hụt thu ngân sách cấp tỉnh dự kiến khoảng 1.464 tỷ đồng. Đồng chí Hưng đề nghị tỉnh cần chỉ đạo ngành thuế và toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời khai thác các nguồn thu bù đắp số thu không đạt dự toán, giảm khả năng mất cân đối ngân sách cấp tỉnh ở mức thấp nhất. Tăng cường chi đạo thu ngân sách, không để nợ đọng thuế cao, tính toán cụ thể đến từng doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế. Khẩn trương triển khai các dự án có liên quan đến thu tiền sử dụng đất và các dự án đã triển khai nhưng còn tồn đọng chưa thu tiền sử dụng đất. Có biện pháp chống thất thu ngân sách, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Không để phát sinh nợ đọng; tiết kiệm tối đa trong sử dụng ngân sách...

Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Năng Hoàn đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành tăng thu từ nguồn sử dụng đất. Các huyện cần có phương án lên kịch bản hụt thu ngân sách. Các cấp, các ngành cần có giải pháp mở rộng, nuôi dưỡng nguồn thu, không nên tận thu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hưng đề nghị không để phát sinh nợ đọng và tiết kiệm tối đa trong sử dụng ngân sách những tháng cuối năm

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hưng đề nghị không để phát sinh nợ đọng và tiết kiệm tối đa trong sử dụng ngân sách những tháng cuối năm

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Vũ Hồng Khiêm cho biết dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm của người dân trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có tới 120 doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động từ 50 người trở lên, tổng số có 28.740 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Có 300 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn phải hoãn hợp đồng lao động, cho công nhân nghỉ không hưởng lương. Toàn tỉnh có 408 người đi xuất khẩu lao động, mới đạt trên 9% kế hoạch. Đến ngày 23.6, toàn tỉnh có 7.628 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng chí đề nghị tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hướng dẫn, tư vấn, giải đáp vướng mắc về pháp luật lao động cho các doanh nghiệp. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo việc làm cho lao động và hỗ trợ doanh nghiệp tìm lao động. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Lê Thế Trang dự báo khả năng phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Hải Dương sẽ rất khó đạt mức tăng trưởng trên 8% như kế hoạch đề ra trong năm nay. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu cũng sẽ bị ảnh hưởng như thu nhập bình quân đầu người... Đồng chí đề nghị tỉnh cần kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng cường đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Hồng Khiêm cho biết đến ngày 23.6, toàn tỉnh có 7.628 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2019

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Hồng Khiêm cho biết đến ngày 23.6, toàn tỉnh có 7.628 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2019

Giám đốc Ban Quản lý các dự án tỉnh Nguyễn Hoài Long cho biết do việc nhập thiết bị bị ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên dự án Trung tâm Văn hóa Xứ Đông bị chậm tiến độ 1 tháng so với kế hoạch và sẽ hoàn thành trước 20.7. Đồng chí cho biết công tác giải ngân một số dự án vẫn còn gặp khó khăn do vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng. Một số dự án phải xin chủ trương đầu tư của HĐND tỉnh nên cũng bị chậm so với kế hoạch. Các dự án kết nối giao thông với Hải Phòng, Quảng Ninh như đường dẫn cầu Dinh, cầu Triều, cầu Quang Thanh... chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Đồng chí đề nghị tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và cải cách thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Sớm công bố giá nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng cần tiếp tục bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, kết nối với các địa phương khác để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn đề nghị cần rà soát những doanh nghiệp lớn và có giải pháp xây dựng kế hoạch thu ngân sách ở những khu vực hụt thu 6 tháng đầu năm sát với tình hình thực tế. Cần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để có giải pháp tháo gỡ. Để tăng thu từ nguồn sử dụng đất cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc trong tính giá đất. Các ngành cần phối hợp chặt chẽ để tham mưu UBND tỉnh thống nhất quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mới để huy động vốn của các doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng nội địa. Đối với kế hoạch phát triển nhà ở đô thị, các địa phương cần khẩn trương lập danh mục các dự án để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Các địa phương cần xây dựng kịch bản và có những giải pháp tăng thu trên các lĩnh vực, ngành nghề.

HOÀNG BIÊN - THÀNH CHUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/tap-trung-khac-phuc-hau-qua-dich-covid--19-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-139939