Tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ
Từ ngày 15 - 18/7, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa lớn kéo dài kèm dông lốc gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai đã được các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai, kịp thời hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Từ ngày 15 - 18/7, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa lớn kéo dài kèm dông lốc gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Công tác khắc phục hậu quả do thiên tai đã được các địa phương, đơn vị gấp rút triển khai, kịp thời hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Lực lượng chức năng huyện Mai Châu lập rào chắn, canh gác không cho người dân qua lại các điểm ngầm ngập sâu, nước chảy xiết.
Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT, mưa lũ đã làm 2 người thiệt mạng, trong đó 1 người tại xã Nà Phòn (Mai Châu) bị sét đánh, 1 cháu bé tại xã Hùng Sơn (Kim Bôi) do đuối nước.
Mưa lớn cũng gây thiệt hại về nhà cửa và giao thông, nguyên nhân chủ yếu là do sạt lở đất. Cụ thể, huyện Lạc Sơn có 7 hộ bị đất đá sạt lở vào nhà gây đổ tường, đất vùi lấp vào nhà, trong đó 1 hộ phải di dời tạm thời. Huyện Tân Lạc có 16 hộ thuộc các xã Vân Sơn, Suối Hoa, Ngọc Mỹ, Mỹ Hòa bị sạt lở đất đá vào nhà và 17 hộ tại thị trấn Mãn Đức bị ngập nước khoảng 1m. Thành phố Hòa Bình có 8 hộ bị sạt lở và nguy cơ sạt lở đất vào nhà, hiện đã di dời tạm 4 hộ.
Mưa lớn gây sạt lở nhiều đường giao thông xung yếu, như tuyến đường tỉnh 433 sạt lở hơn 80 m3 đất đá ra đường tại km 5 +800; đường tỉnh 439 sạt lở dài 30 m tại km16 +350. Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông, cống ngầm tại các huyện cũng bị sạt lở, tắc rãnh, bong tróc bề mặt do mưa lớn kéo dài. Ngay khi sự cố xảy ra trên các tuyến đường, lực lượng cảnh sát giao thông và Công ty cổ phần Đường bộ 2 đã huy động máy móc, phương tiện tổ chức hót sụt sạt, khắc phục sự cố giao thông, đảm bảo thông đường phục vụ người dân, phương tiện lưu thông thông suốt, an toàn.
Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, 252 ha lúa và 28,5 ha màu, cây trồng hàng năm bị ngập úng. Tại huyện Tân Lạc, ngoài diện tích hoa màu thiệt hại còn có 24 con lợn và 55 con gà bị nước lũ cuốn trôi. Nước lũ cũng làm hư hỏng 4 chuồng trại chăn nuôi và cuốn trôi 1 lồng cá.
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, Sở NN&PTNT đã kiểm tra thực tế và đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân ổn định sản xuất và đời sống. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành công văn đề nghị Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố khẩn trương chủ động các biện pháp khôi phục sản xuất trồng trọt sau ngập úng trên cây lúa, cây màu và cây ăn quả. Theo đó, đối với diện tích lúa bị ngập úng, Chi cục đề nghị các địa phương huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, không để cây lúa bị ngập lâu. Chủ động các biện pháp tiêu úng, rả lá làm sạch bùng ngay khi nước rút. Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất để gieo cấy lại đối với diện tích lúa bị vùi lấp không thể khắc phục.
Đối với diện tích cây màu, nông dân tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tạo điều kiện cho cây hồi phục. Đối với diện tích cây ăn quả, bà con khẩn trương khơi thông dòng chảy giúp thoát nước, đào sâu rãnh từ 30 - 40 cm đối với khu vực trũng để hạ thấp mực nước ngầm trong tán cây và triển khai các biện pháp chăm sóc cây trồng sau ngập úng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, mưa lớn tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh đến cuối tuần. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất trên các tà luy dương đường giao thông và khu vực có địa chất yếu. Trong đó, đặc biệt là các khu vực xã An Bình, huyện Lạc Thủy; các xã Bảo Hiệu, Hữu Lợi, Lạc Lương, Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy; các xã Hòa Sơn, Lâm Sơn, Cư Yên huyện Lương Sơn và xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình. Trước thực tế đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tăng cường lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích tại các cơ sở, rà soát, kịp thời phát hiện, sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là khu vực ngập úng, ven sông suối, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ cao đến nơi an toàn, khắc phục các hư hỏng, sạt lở đã xảy ra để đảm bảo đời sống người dân. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở, thường xuyên bị sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc do người dân bất cẩn, chủ quan.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/191413/tap-trung-khac-phuc-hau-qua-do-mua-lu.htm