Tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ tại Đắk Lắk
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 12, tỉnh Đắk Lắk có mưa to và rất to trên diện rộng, gây ngập lụt cục bộ, chia cắt giao thông, thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Với phương châm '4 tại chỗ', các địa phương trong tỉnh đang tập trung ứng phó khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, lượng mưa từ 19 giờ ngày 9/11 đến 16 giờ ngày 10/11 phổ biến từ 100 - 150 mm. Đặc biệt, tại trạm Cư San, huyện M'Đrắk 295,8 mm; trạm Cư Yang, huyện Ea Kar 236,2 mm; trạm Yang Mao, huyện Krông Bông 181,8 mm; trạm Cư Prao, huyện M'Đrắk 170 mm. Mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt, chia cắt cục bộ ở một số huyện như M’ Đrắk, Krông Bông, Lắk, Ea Kar, Ea H’leo...
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại huyện M’Đrắk chiều 10/11, công tác ứng phó với mưa bão được thực hiện khẩn trương trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk Phạm Ngọc Thạch cho biết, trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan trực ban 24/24 giờ. Ở những nơi nguy hiểm, các lực lượng cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng gác chặn, hỗ trợ người và phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn.
UBND huyện M’Đrắk yêu cầu chính quyền xã Cư San phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Thủy lợi 8, khẩn trương rà soát các hộ dân nằm trong vùng dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng, sẵn sàng thực hiện phương án di dời phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Cùng với đó, thôn 9, 10 và 11 xã Cư San tập trung lực lượng vận động, tuyên truyền người dân chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, sẵn sàng di dời trong trường hợp khẩn cấp. Tính đến 16 giờ ngày 10/11, huyện M’Đrắk đã thực hiện di dời 13 hộ dân tại xã Cư San đến nơi an toàn.
Nước lớn đã cuốn trôi 2 xe máy tại đèo 35 xã Ea Trang. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều cầu, cống, công trình giao thông bị ngập, hiện địa phương và lực lượng chức năng đã lập các chốt chặn, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm.
“Nhận định bão số 12 sẽ ảnh hưởng lớn đến địa phương nên UBND huyện chủ động yêu cầu các xã, thị trấn rà soát phương án phòng chống thiên tai, sẵn sàng phương án ứng phó với phương châm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân”, ông Phạm Ngọc Thạch nói.
Bão số 12 cũng đã ảnh hưởng lớn đến các huyện khác trong tỉnh, do đó công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đang được tiến hành khẩn trương. Tại huyện Lắk, mưa lớn đã làm khoảng 400 ngôi nhà cùng gần 400 ha cây trồng bị ngập, trong đó, xã Bông Krang 130 ha, Yang Tao 110 ha, Đắk Liêng 90 ha, Đắk Nuê 25 ha và thị trấn Liên Sơn 5 ha. Mưa lớn, kéo dài dự báo có khả năng xảy ra ngập lụt tại các khu dân cư tại xã Đắk Liêng và thị trấn Liên Sơn.
Trong ngày 10/11, lãnh đạo huyện Lắk đã kiểm tra tình hình thực tế, lên phương án sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, trong đó ưu tiên giải pháp sơ tán, di dời dân và tài sản của người dân về nơi cao ráo, an toàn. Hiện các hộ dân có nhà bị ngập đã được di dời về nhà cộng đồng các thôn, buôn và UBND xã Đắk Liêng. Chính quyền địa phương các cấp tích cực huy động lực lượng để ứng trực tại khu vực nguy cơ cao.
Tại huyện Ea Kar, một số xã như Cư Bông, Cư Elang, Cư Prông Ea Ô... ngập cục bộ. Hiện nay, các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng nạo vét rãnh mương; đồng thời lên phương án di dời dân về vị trí an toàn tại vị trí ngập sâu.
Tương tự, huyện Krông Bông xảy ra mưa lớn liên tục trên diện rộng khiến nước các sông, suối dâng cao, gây lũ. Một số hộ dân bị cô lập, cây trồng bị ngập úng, đường giao thông bị ngập và sạt lở…
Thống kê sơ bộ, tính đến 15 giờ ngày 10/11, hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn bị thiệt hại. Một số đoạn đường ở tuyến đường vào thôn Ea Hăn, Yang Hăn (xã Cư Đrăm)... bị ngập nước sâu khoảng 1 m, gây chia cắt, nhiều hộ dân trên địa bàn bị cô lập. Khu vực thôn 12, xã Hòa Lễ bị sạt lở.
Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông đánh giá tình hình ngập lụt và an toàn hồ đập trên địa bàn; phân công thành viên phụ trách địa bàn và yêu cầu UBND các xã bố trí lực lượng trực tại những điểm xung yếu, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ cứu nạn, di dời người dân và tài sản vùng bị ngập lụt tới nơi an toàn.
Do mực nước các sông, suối trên địa bàn huyện vẫn tiếp tục dâng, UBND huyện Krông Bông yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt, kiểm tra tình hình trên địa bàn, triển khai phương án ứng phó với những tình huống có thể xảy ra, nhất là vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; không lơ là, chủ quan; chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo đảm an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại do bão gây ra; đồng thời vận động di dời dân ở nơi có khả năng ngập lụt, sạt lở cao về nơi an toàn; bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
Cùng với sự chủ động của các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử đoàn công tác đi kiểm tra thực địa tại huyện Lắk, huyện Krông Bông để nắm tình hình diễn biến mưa lũ; kịp thời chỉ huy, huy động lực lượng ứng phó thiên tai khi có tình huống xảy ra. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật, nắm tình hình diễn thời tiết, thiên tai kịp thời cảnh báo đến các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó.