Tập trung khắc phục kịp thời, hiệu quả những thiệt hại do thiên tai
ĐBP - Cùng với việc chủ động các phương án phòng chống thiên tai, thời gian qua UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.
Cán bộ chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên luyện tập phương án phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Trung
Tỉnh ta có trên 80% diện tích tự nhiên có độ dốc trên 25%; địa chất đất đá rời rạc không ổn định. Toàn tỉnh có 570.900ha (bằng 59,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh) thuộc lưu vực sông Đà - 1 trong 3 nhánh sông lớn của lưu vực sông Hồng; 240.900ha (25,3% diện tích tự nhiên) thuộc lưu vực sông Mã; phần diện tích còn lại thuộc lưu vực sông Mê Kông. Lượng mưa trên địa bàn hàng năm lớn, từ 1.700 - 2.200mm trong khi sông suối có độ dốc cao khi mưa thoát nước nhanh dẫn đến các trận lũ lớn. Với những yếu tố bất lợi đó, hàng năm tỉnh ta thường xảy ra các hiện tượng thiên tai: Lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, mưa đá, rét đậm rét hại… gây thiệt hại về người và tài sản.
Trước thực trạng đó, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị liên quan rà soát kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá toàn diện tình hình, rủi ro do thiên tai tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Từ đó chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng loại hình, tình huống thiên tai cụ thể. Đồng thời chỉ đạo sát sao việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, nhất là công trình giao thông, hồ, đập thủy lợi, thủy điện nhỏ.
Một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm là ưu tiên kinh phí cho các hoạt động phòng chống thiên tai, tập trung sửa chữa, nâng cấp hồ đập thủy lợi; xử lý sạt lở; di dời dân ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Năm 2020, tỉnh ta được Trung ương hỗ trợ 45 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phân bổ cho 5 công trình khắc phục hậu quả thiên tai, gồm: Công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất và công trình công cộng suối Huổi Lé (Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) giai đoạn II; Kè bảo vệ đất sản xuất và khu dân cư C9 (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên); Kè bảo vệ đất sản xuất và dân cư tổ dân phố 1, 2 (thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà); Kè bảo vệ Trường Tiểu học xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); Sửa chữa hệ thống tường bao Trung tâm Khuyến nông, giống cây trồng vật nuôi (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên). Từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa, tỉnh đã hỗ trợ gần 36,658 tỷ đồng cho các huyện, thị xã, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai về: khắc phục công trình hạ tầng, nhà ở, trường học, sản xuất, cứu đói và di dời 76 hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai.
Công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả được các địa phương, cơ quan, ban, ngành phối hợp thực hiện tích cực, có hiệu quả. Trong đó phải kể đến vai trò chủ lực của các lực lượng vũ trang tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương công tác ứng phó thiên tai, không để xảy ra bị động trong mọi tình huống. Các cơ quan quân sự địa phương đã huy động 72 lượt cán bộ thường trực, 545 lượt dân quân tự vệ khắc phục hậu quả dông lốc, mưa đá; huy động 41 lượt cán bộ, 96 lượt dân quân tham gia chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy nhà. Các đơn vị bộ đội biên phòng tỉnh đã huy động 394 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia hơn 700 ngày công cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai; di dời 52 nhà dân cùng gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Lực lượng công an tỉnh đã huy động hơn 300 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích do mưa lũ cuốn trôi, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Dự báo thời gian tới thời tiết vẫn có những diễn biến khó lường dẫn đến nguy cơ xảy ra thiên tai. Do đó cùng với các biện pháp phòng chống thì công tác khắc phục hậu quả cần được chú trọng, chủ động kịch bản cho từng tình huống. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh khi xảy ra thiên tai là huy động cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, vận động nhân dân các dân tộc khẩn trương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai sớm ổn định cuộc sống; tập trung mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại về người, tài sản, công trình hạ tầng; chú trọng công tác vệ sinh môi trường không để phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ, ngập lụt.