Tập trung khắc phục mưa lũ, sẵn sàng ứng phó với bão số 8
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Báu Hà yêu cầu các cấp chính quyền huyện Kỳ Anh tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sẵn sàng ứng phó với bão số 8.
Sáng nay (21/10), Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ ở xã Kỳ Anh.
Theo báo cáo của huyện Kỳ Anh, từ ngày 15 - 20/10, trên địa bàn huyện có mưa to, đến rất to, lượng mưa đo được từ ngày 15/10 đến ngày 20/10 tại trạm Kỳ Thượng là 1.956mm, tại trạm Kỳ Anh là 839mm. Sức gió đo được tại trạm Khí tượng thủy văn Kỳ Anh mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Hiện tại, địa bàn huyện đang có mưa nhỏ đến mưa vừa. Các hồ chứa nước trên địa bàn huyện đã tích đầy nước, chảy tràn tự do và điều tiết trong trạng thái đang đảm bảo an toàn.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm hỏi gia đình vợ chồng anh Hồ Văn Hậu ở Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) bị sạt lở nhà...
Qua kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả do mưa lũ ở các xã của huyện Kỳ Anh như: Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Khang…, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Báu Hà yêu cầu các cấp chính quyền, lực lượng chức năng huyện Kỳ Anh cần tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; các xã, các vùng, khu vực đang bị cô lập, thống kê số hộ dân ốm đau, bệnh tật, thời kỳ sắp sinh nở để có phương án sơ tán ra và ứng cứu kịp thời. Chủ động đưa các những người ốm đau, bệnh tật, già cả, sinh nở về trạm y tế xã và cắt cử cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc.
...và thăm hỏi, động viên gia đình bà Đàm Thị Vòng ở thôn Lạc Thanh (Kỳ Lạc) có nhà bị tốc mái hoàn toàn.
Những vùng đồi núi sau thời gian mưa lũ đã bão hòa nước nên dễ sạt lở nên phải rà soát và dứt khoát phải di dời dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao; cảnh báo các tuyến đường bị sạt lở.
Đối với các xã vùng thấp trũng, phải thường xuyên theo dõi, điều tiết các cống tiêu thoát lũ hợp lý để tránh tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đảm bảo phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai, đặc biệt là ứng phó với thời gian ngập lụt kéo dài; kịp thời hỗ trợ về lương thực, y tế đối với người dân vùng bị cô lập.
Đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, ngầm qua suối, đường bị ngập, nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân.
Đoàn đi kiểm tra hồ Mạc Khê (Kỳ Giang).
Chuẩn bị các phương tiện và lực lượng túc trực sẵn để ứng cứu ở các điểm xung yếu, vùng ngập sâu và điểm dễ xảy ra sạt lở. Huy động lực lượng xung kích, dân quân, đoàn thanh niên,… thực hiện ngay việc giải tỏa, phong quang đường đảm bảo giao thông thông suốt; dọn vệ sinh môi trường.
Các địa phương rút kinh nghiệm công tác phòng chống mưa lũ vừa qua, đồng thời xây dựng các kịch bản để ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sắp tới.
Tính đến sáng nay (21/10), toàn huyện Kỳ Anh có 2 nhà dân bị sạt lở, tốc mái; 971 nhà dân bị ngập nước. Nhiều tuyến đường như: Quốc lộ 12C, tỉnh lộ 554, tỉnh lộ 555, tỉnh lộ 551, đường Ven biển Thạch Khê Vũng Áng và các tuyến đường do cấp huyện, cấp xã quản lý... bị sạt lở.
Tại các xã vùng thượng như: Lâm Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Văn xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi nghiêm trọng gây vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân....