Tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa Cam Lộ ngày càng phát triển

Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Cam Lộ đã đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt và vượt kế hoạch. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông NGÔ QUANG CHIẾN, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ về những giải pháp để tiếp tục biến tiềm năng hiện có thành lợi thế chuyển đổi nhanh và bền vững cơ cấu nền kinh tế, đưa Cam Lộ ngày càng phát triển.

-Thưa ông! Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Cam Lộ đã đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt và vượt kế hoạch. Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực nói trên?

-Thưa ông! Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Cam Lộ đã đạt được những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, nhiều chỉ tiêu đặt ra đạt và vượt kế hoạch. Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực nói trên?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu, kết quả có 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó tốc độ tăng trưởng tính theo giá trị sản xuất bình quân 2015 - 2020 là 12,5% (kế hoạch tăng từ 12-13%), năm 2019 là 12,4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 42,6 triệu đồng, năm 2020 khoảng từ 48-50 triệu đồng (chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 44 triệu đồng/ người/năm). Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 10,1% năm 2015 xuống còn dưới 3% vào năm 2020. Tỉ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề tăng từ 43,5% năm 2015 lên 56% năm 2019; tỉ lệ lao động tạo được việc làm ổn định sau học nghề đảm bảo 80%; thu nhập lao động có tay nghề so với lao động chưa qua đào tạo nghề được cải thiện đáng kể. Lao động có việc làm ổn định hằng năm tăng 1.000 - 1.100 người (chỉ tiêu nghị quyết 800- 900 người). Tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,8% (chỉ tiêu nghị quyết 80%)...

Nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung cao độ cho mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế; các chủ trương, kế hoạch hành động được triển khai phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực kinh tế ngành nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn kết phát triển kinh tế với đảm bảo các vấn đề xã hội, quốc phòng-an ninh trong hệ thống tiêu chí xây dựng nông thôn mới với nhiều kết quả tích cực: Duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tính bền vững được nâng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến; đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn đạt nhiều kết quả nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp. Huy động có hiệu quả các nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới; chủ động, linh hoạt thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ. Chất lượng nguồn nhân lực lao động được nâng cao; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững đạt kết quả tốt; chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công được cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội quan tâm. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện vững chắc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tình hình tội phạm trên địa bàn được kiểm soát, an toàn giao thông được kiềm chế.

-Được biết, trong nhiệm kỳ qua, huyện Cam Lộ đã tập trung quyết liệt các nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách địa phương. Đây có thể được coi là những điểm sáng về kết quả đạt được trong việc thực hiện nghị quyết đại hội?

-Đúng là trong nhiệm kỳ vừa qua, tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách địa phương là một trong những điểm nhấn nổi bật của huyện trong việc thực hiện nghị quyết đại hội. Về tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã tập trung quyết liệt các nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tiến hành rà soát, đánh giá lại hệ thống sản phẩm nông nghiệp để đề ra chủ trương chỉ đạo thích ứng trong điều kiện mới của sản xuất và thị trường.

 Đường qua thị trấn Cam Lộ -Ảnh: Huy Nam

Đường qua thị trấn Cam Lộ -Ảnh: Huy Nam

Nét nổi bật về tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện là kết quả thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy (Khóa XVI) về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết chuyên đề số 02- NQ/HU của BCH về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương” đã thúc đẩy thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định; xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của huyện gắn với thực hành chiến lược “5 tăng” cho từng sản phẩm.

Qua thực hiện nghị quyết, công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô vùng thực hiện quyết liệt hơn; tất cả các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương đều gắn với cơ sở chế biến, xây dựng thương hiệu và áp dụng quy trình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Mặc dù còn gặp nhiều rủi ro trong sản xuất do thời tiết và các yếu tố thị trường nông sản biến động khó lường, song Cam Lộ đã mạnh dạn tiên phong trong liên kết sản xuất và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trên các vùng đất khó khăn. Cụ thể, giá trị gia tăng trên các vùng đất đồi chuyển đổi từ rừng trồng sang các cây dược liệu và cây trồng ngắn ngày khác gấp 2-3 lần so với cách làm cũ, mở ra hướng mới khai thác dư địa đất đai, sinh thái vùng gò đồi để phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương gắn với thị trường tiêu thụ và liên kết. Nhiều mô hình thực hành nhân rộng lạc xen, dược liệu, đa dạng canh tác trong các vườn cao su là cách làm thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản xuất, duy trì chăm sóc cây công nghiệp dài ngày trong điều kiện giá cả cao su, hồ tiêu giảm sâu và kéo dài.

Đã có 7 sản phẩm nông nghiệp địa phương được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao (chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của toàn tỉnh), nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường lớn, vào các siêu thị cao cấp và đạt giải thưởng danh giá về chất lượng. Kết quả hợp tác, liên kết giữa sản xuất và chế biến, hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm chung, sản phẩm làng nghề là hướng đi phù hợp, hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường trong hiện tại cũng như tương lai.

Về thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách địa phương, bằng nhiều hình thức huy động nguồn vốn từ bên ngoài, cộng với phát huy nội lực sức mạnh quần chúng nhân dân, huyện đã xây dựng thành công các tiêu chí huyện nông thôn mới với tổng mức huy động giai đoạn 2011- 2019 là 3.017 tỉ đồng, trong đó vốn Nhân dân đóng góp từ ngày công, hiến đất... lên đến 490,5 tỉ đồng, chiếm 16,3%.

Tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2.230 tỉ đồng, tăng 1,46 lần so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, là cơ sở quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện NTM. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; quản lý thu chi ngân sách địa phương thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.

Quản lý đầu tư được tăng cường, 100% chương trình trọng tâm, đề án trọng điểm đề ra trong nhiệm kỳ được triển khai, đảm bảo tiến độ, có sự tham gia giám sát của cộng đồng, chất lượng công trình được cải thiện. Đặc biệt, huyện không để xảy ra nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

-Ngoài ra, chương trình trọng tâm “Xây dựng huyện Nông thôn mới” về đích trước chỉ tiêu Nghị quyết 1 năm cũng là một trong những thành quả quan trọng nhất trong nhiệm kỳ, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

-Việc về đích trước một năm Chương trình trọng tâm“Xây dựng huyện Nông thôn mới (NTM)” là thành quả quan trọng nhất trong nhiệm kỳ vừa qua của huyện Cam Lộ. Tiêu chí NTM luôn gắn với chất lượng và tạo ra nhiều giá trị mới có ý nghĩa về nhận thức và thực tiễn ở nhiều khu dân cư. Nhiều nội dung đột phá, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các ban ngành, đoàn thể đã và đang huy động được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đời sống của Nhân dân được nâng cao; cảnh quan, môi trường nông thôn có nhiều đổi thay; tỉ lệ hài lòng của các tầng lớp nhân dân về kết quả xây dựng NTM rất cao.

 Giới thiệu sản phẩm dầu lạc nguyên chất Super Green của Cam Lộ -Ảnh: TH

Giới thiệu sản phẩm dầu lạc nguyên chất Super Green của Cam Lộ -Ảnh: TH

Nét nổi bật trong chỉ đạo xây dựng NTM là tinh thần vượt khó vươn lên bằng cách làm quyết liệt, cụ thể, thống nhất và hợp lòng dân. NTM đã huy động sự vào cuộc thật sự của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội; nhất là huy động có hiệu quả trụ cột sức mạnh quần chúng nhân dân, phát huy vai trò chủ thể, tự lực và hợp tác của người dân trong cải tạo và xây dựng nông thôn. Nhờ vậy, từ tổng số 42 tiêu chí NTM cấp xã đạt được ban đầu, chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 2016 - 2019, huyện đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt nông thôn mới, 1 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, 9 tiêu chí NTM cấp huyện, đưa Cam Lộ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM. Đây là cơ sở vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội để huyện tiếp tục vươn lên trong giai đoạn mới 2020 - 2025.

- Để tiếp tục biến tiềm năng hiện có thành lợi thế chuyển đổi nhanh và bền vững cơ cấu nền kinh tế, đưa Cam Lộ ngày càng phát triển, thời gian tới theo ông cần có những giải pháp gì?

-Cam Lộ là huyện trung du gò đồi, nằm ở cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của thành phố Đông Hà, địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua như: Quốc lộ 1; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9, tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, đường xuyên Á từ nước bạn Lào về Cửa Việt và hệ thống giao thông nội vùng tương đối hoàn thiện, thuận lợi cho lưu thông kinh tế, phát triển thương mại- dịch vụ, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỉ trọng công nghiệp- thương mại, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, để khai thác tốt các tiềm năng lợi thế của địa phương, đưa Cam Lộ ngày càng phát triển, cần tận dụng tối đa thời cơ và huy động có hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển. Khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực và sự đồng thuận cao của xã hội thông qua thực hành dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết, phát huy vai trò chủ thể và tinh thần tự lực, hợp tác của Nhân dân để phục hồi nhanh nền kinh tế, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Cụ thể, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tạo bứt phá phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ các vùng động lực về sản xuất - dịch vụ, nâng chất lượng tiêu chí nông thôn mới. Huyện sẽ bám sát quy hoạch phát triển chung của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030 để tiếp tục điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, nhất là kết nối hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông. Kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp áp dụng các biện pháp thâm canh có yếu tố ứng dụng CNC cho các vùng, liên vùng bao gồm: Vành đai trang trại chăn nuôi, cây ăn quả và dược liệu 2.500 - 3.000 ha; vùng hồ tiêu hữu cơ 500 ha; vùng lạc, rau màu 1.200 ha; vùng trọng điểm các mô hình NTM, làng nghề, cơ sở chế biến. Hoàn thiện hệ thống đường điện vào các vùng sản xuất tập trung đồng bộ với vùng tưới mở rộng từ Dự án thủy lợi Ba Hồ - Bản Chùa đang hoàn thiện, tạo đột phá chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng gấp đôi giá trị gia tăng trên các vùng thâm canh, chuyên canh. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược có năng lực.

Giai đoạn 2020-2025 tập trung mở rộng cụm công nghiệp - dịch vụ Cam Hiếu, Cam Thành, Cam Tuyền mỗi vùng từ 50 - 150 ha; kêu gọi đầu tư 20-30 nhà máy có quy mô lớn, nhất là các nhà máy gắn liền với vùng nguyên liệu nhằm tiêu thụ tốt sản phẩm cho người nông dân. Phát huy lợi thế kinh tế ven đô thị để mở mang các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Kinh doanh ô tô; hàng Thái Lan; ăn uống nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm nông thôn - di tích lịch sử, tâm linh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch vùng huyện, xây dựng kết nối nông - công - thương bền vững. Xây dựng các giải pháp chiến lược tạo sự đột phá về liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh thị trường đã được định hình theo Nghị quyết 02/NQ-HU (khóa XV), tập trung phát triển thêm sản phẩm OCOP về dược liệu, cây ăn quả trên các vùng chuyển đổi cơ cấu, vườn nhà, vườn đồi; xây dựng Cam Lộ trở thành vùng sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu của tỉnh. Áp dụng hiệu quả chiến lược “5 tăng” cho từng sản phẩm có thế mạnh sản xuất và thị trường. Chuyển đổi cây trồng, mùa vụ theo hướng tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tận dụng tối đa yếu tố đa dạng sinh thái để đa dạng sản phẩm đặc trưng gắn nhãn OCOP từ 3 sao trở lên. Nâng cao chất lượng xây dựng NTM cấp xã; tiêu chí NTM cấp huyện. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch 38-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy gắn với việc duy trì, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung xây dựng, triển khai các mô hình điểm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng: Nông dân có thu nhập khá, không có hộ tái nghèo; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí nâng cao; công trình, cảnh quan được chỉnh trang, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được đảm bảo, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 50 - 60% thôn, khu phố đạt NTM, đô thị kiểu mẫu mức độ 1 trở lên; có 85,7% số xã đạt NTM kiểu mẫu; thị trấn Cam Lộ đạt đô thị văn minh tiêu biểu.

-Xin cảm ơn ông!

Khánh Ngọc (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150834