Tập trung khôi phục sản xuất và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Để khôi phục sản xuất, bảo vệ cây trồng, vật nuôi sau mưa bão, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, bên cạnh gây thiệt hại về con người, tài sản, bão số 3 đã làm gãy đổ hơn 14,9 nghìn ha lúa đang phơi đồng, vào hạt; hơn 485 ha rau màu, 847 ha cây ăn quả và hơn 3,55 nghìn ha rừng sản xuất bị gãy đổ... Đến thời điểm này, số thiệt hại tại các địa phương, nhất là những huyện bị ảnh hưởng nhiều của mưa bão như Sơn Động đã tăng lên nhiều. Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Sơn Động, toàn huyện có khoảng 970 ha lúa và hoa màu bị ngập úng và hàng nghìn ha keo, bạch đàn bị gãy đổ.

 Trạm bơm cống Bún vận hành hết công suất để bơm tiêu chống úng ngập.

Trạm bơm cống Bún vận hành hết công suất để bơm tiêu chống úng ngập.

Tổng hợp nhanh tại huyện Lục Nam, đến 17 giờ, ngày 8/9, toàn huyện có hơn 430 ha lúa bị ngập, đổ; gần 50 ha hoa màu, cây ăn quả, cây đào đổ gãy, dập nát; hơn 1,6 nghìn ha rừng trồng từ 0,5-3 năm tuổi đổ gãy; gần 18 nghìn m2 nhà lưới tốc mái, hư hỏng; khoảng 6,5 nghìn con gia cầm chết (riêng hai xã Bình Sơn và Lục Sơn có khoảng 3 nghìn con gà, vịt bị chết, lũ cuốn trôi).

Tại huyện Yên Thế có khoảng 650 ha lúa ngập nước, đổ; 70 ha hoa màu hư hại; gần 400 ha cây lâm nghiệp đổ gãy. Tại thị xã Việt Yên có hơn 3,2 nghìn ha lúa bị đổ; huyện Tân Yên 2,96 nghìn ha lúa; Hiệp Hòa khoảng 4,8 nghìn ha lúa và rau màu bị gãy đổ, thiệt hại...

Toàn tỉnh hiện có 1 triệu con lợn, hơn 20 triệu con gia cầm và nhiều đàn trâu, bò, ngựa. Thiệt hại về đàn vật nuôi do bão số 3 hiện đang được các địa phương tiếp tục thống kê.

Trước các thiệt hại do bão số 3 gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, TP, nhất là các nơi bị ảnh hưởng nặng nề của mưa bao, lũ tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục.

 Một diện tích lúa ở xã Hương Sơn (Lạng Giang) bị ngập úng, đổ gãy.

Một diện tích lúa ở xã Hương Sơn (Lạng Giang) bị ngập úng, đổ gãy.

Cụ thể là: Khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông, kênh mương nội đồng; khoanh vùng những nơi ngập úng cao để có phương án xử lý nhanh; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Ưu tiên bơm tiêu nhanh cho các diện tích bị ngập úng nặng, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình giao thông, đô thị, khu công nghiệp trên đất lúa.

Đề nghị các địa phương rà soát, xác định những diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng; kiểm tra, rà soát toàn bộ các hồ đập, kênh mương trên địa bàn, khơi thông bèo rác, vật cản, bảo đảm luồng tiêu, thoát nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, không để ngập úng xảy ra.

Đối với vùng rau màu, chuyên màu bị ảnh hưởng, sau khi nước rút nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… giúp cây nhanh phục hồi. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi. Hiện các trạm bơm trên địa bàn đang hoạt động hết công suất để bảo đảm tiêu úng cho các diện tích cây cối, hoa màu đang bị ngập.

 Diện tích dưa hấu ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) bị dập nát, hư hỏng.

Diện tích dưa hấu ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) bị dập nát, hư hỏng.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục lại sản xuất nông nghiệp. Ông Ngô Đăng Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Việt Yên cho biết thêm: Đối với các diện tích lúa bị đổ, Phòng đề nghị các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương bó dựng; diện tích nào bị bẩn thì xịt rửa nước bảo đảm việc quang hợp tốt cho cây.

Đối với đàn vật nuôi, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tuyên truyền, phối hợp với các huyện, thị xã, TP tập trung hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, bảo vệ cho vật nuôi sau mưa lũ, kết hợp quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, sau mưa bão, thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm có thể bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm do mầm bệnh từ nơi khác đến, nguy cơ cao ảnh hưởng sức khỏe của đàn vật nuôi. Do vậy, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm tăng cường quá trình hồi phục.

Ngay sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tăng cường cán bộ về tận các thôn, xã cùng với cán bộ phụ trách thú y cơ sở kiểm tra các cơ sở chăn nuôi để hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài…; tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.

 Một vạt rừng sản xuất tại xã Lục Sơn (Lục Nam) bị đổ.

Một vạt rừng sản xuất tại xã Lục Sơn (Lục Nam) bị đổ.

Các cơ sở, hộ chăn nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi; tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...; báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục chăn nuôi, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin theo quy định. Không tái đàn khi chưa bảo đảm về môi trường và an toàn dịch bệnh.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tap-trung-khoi-phuc-san-xuat-va-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-180713.bbg