Tập trung khống chế dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò

Ngay sau khi xuất hiện trường hợp đầu tiên bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục ở bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cơ quan chuyên môn đã tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Thuận Châu đã cơ bản được kiểm soát.

Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng phương tiện ra vào bản Quỳnh Thuận.

Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng phương tiện ra vào bản Quỳnh Thuận.

Ngày 11/3, sau khi nhận được thông tin hộ ông Hoàng Quốc Khánh, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha xuất hiện bò có biểu hiện nghi mắc bệnh viêm da nổi cục. UBND huyện Thuận Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra và lấy mẫu gửi xét nghiệm. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm da nổi cục trâu, bò, huyện Thuận Châu ban hành quyết định công bố dịch, thành lập ngay chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời trên địa bàn xã Chiềng Pha; khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách khoanh vùng và dập dịch.

Các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND xã Chiềng Pha tuyên truyền, vận động hộ gia đình tiến hành tiêu hủy gia súc bị bệnh. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cung ứng cho xã Chiềng Pha 84 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng, UBND xã cấp cho hộ gia đình có bò bị bệnh 200kg vôi bột để tiêu hủy, 100 kg vôi bột tại 2 chốt kiểm dịch. Nhanh chóng truy vết, xác định gia súc bị bệnh được hộ ông Khánh mua từ lái buôn tại xã Phổng Lái về nuôi. Huyện đã chỉ đạo xã Phổng Lái phối hợp với hộ gia đình buôn bán trâu, bò nuôi cách ly theo dõi 4 con bò nhốt chung với bò bị bệnh; phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và những điểm bò bị bệnh đi qua...

Tại chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời bản Quỳnh Thuận, ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, ngay sau khi công bố dịch, xã đã ngay lập tức tiến hành khoanh vùng, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại khu vực chăn nuôi bò bị bệnh; thành lập 2 chốt kiểm dịch ở đầu và cuối bản Quỳnh Thuận, trực 24/24 giờ ngăn vận chuyển, giết mổ gia súc, sản phẩm của gia súc bị nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh lưu thông trên địa bàn.

UBND xã Chiềng Pha đã chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi trâu, bò để theo dõi, giám sát dịch bệnh. Hướng dẫn phun phòng tiêu độc khử trùng 1 ngày/lần, rắc vôi xung quanh chuồng trại; trồng cỏ làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc; chỉ đạo các bản lồng ghép tuyên truyền trên loa truyền thanh, họp bản, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể về bệnh viêm da nổi cục để người dân hiểu và thực hiện...

Ông Lò Văn Bưu, bản Quỳnh Thuận, chia sẻ: Với gia đình tôi và nhiều hộ trong bản con bò là tài sản lớn, Để đảm bảo an toàn cho đàn bò, ngày nào gia đình tôi cũng thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại, phun phòng, sử dụng vôi bột khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi; bổ sung thức ăn tăng sức đề kháng cho vật nuôi và theo dõi sức khỏe đàn bò kỹ hơn nhằm phát hiện sớm bò mắc bệnh.

Đối với các xã, thị trấn chưa phát hiện trâu bò mắc bệnh hiện cũng đã khẩn trương kiện toàn và duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã, thành lập đội phản ứng nhanh; chủ động và tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục; giám sát chặt chẽ dịch bệnh để hạn chế nguồn bệnh vào địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi mắc bệnh kịp thời báo cáo chính quyền và cơ quan thú y...

Hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Thuận Châu có hơn 56 nghìn con. Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan trên đàn trâu, bò, tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tham mưu triển khai công tác tiêm phòng vắc xin bệnh viêm da nổi cục trâu, bò.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh cho nông dân; chủ động nuôi nhốt, thường xuyên theo dõi, khi thấy trâu, bò nuôi tại nhà có biểu hiện bất thường phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời; đặc biệt khuyến cáo người chăn nuôi, các thương lái không nên mua, bán trâu bò vào thời điểm này, nếu cần thiết phải tái nhập đàn, cần lựa chọn trâu, bò rõ nguồn gốc, xuất xứ, được kiểm dịch của cơ quan thú y.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tap-trung-khong-che-dich-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo-38463