Tập trung khống chế, kiểm soát, chống dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 636 ổ dịch lợn tả Châu Phi (DTLCP) tại 30 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy 43.375 con. Đến thời điểm ngày 23/7, còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, trong tháng 6 và 7, bệnh DTLCP gia tăng tại các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…). Trước tình hình trên, tỉnh Cao Bằng đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để khống chế, kiểm soát, chống DTLCP bùng phát.

Bà Nông Thị Điền, xóm Nà Mè, xã Hòa An từ đàn lợn hơn 20 con nay chỉ còn 1 con đang có hiện tượng nhiễm bệnh.
Dịch bệnh lây lan trên diện rộng
Bà Nông Thị Điền, xóm Nà Mè, xã Hòa An đưa chúng tôi ra khu chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình với quy mô 3 chuồng rộng rãi, có sức chứa trên 50 con nay chỉ còn duy nhất 1 con đang có hiện tượng lờ đờ, ủ rũ, chán ăn. Bà chia sẻ: Dù có kinh nghiệm chăn nuôi lợn nhiều năm nhưng gia đình tôi vẫn không tránh được thiệt hại nặng do DTLCP trở lại. Từ đầu năm trước khi tái đàn, gia đình tôi chủ động mua vôi bột khử trùng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Song đến đầu tháng 7/2025, tôi phát hiện đàn lợn có triệu chứng biếng ăn, nóng sốt, chảy dịch mủ ở mắt… sau đó tím tái rồi chết dần. Chính quyền địa phương, cán bộ thú y đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và thông báo đàn lợn đã bị nhiễm bệnh DTLCP, buộc phải tiêu hủy 3 lợn nái, hơn 10 lợn thịt đã đạt trên 70 kg/con và hàng chục lợn con làm giống.
Trường hợp của bà Điền cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ dân trong hai tháng qua tại xóm Nà Mè, xã Hòa An nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đã và phải gồng mình chống chọi với DTLCP kéo dài âm ỉ từ đầu năm và đang lây lan trên diện rộng, số lượng ổ dịch tăng và nguy cơ bùng phát dịch dữ dội. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Nà Mè Lương Thị Thiếm: Cả xóm có 147 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp và chăn nuôi, cơ bản nhà nào cũng nuôi lợn, nhiều thì hơn chục con, ít thì 2 - 3 con. Chưa đầy 2 tháng nay, dịch DTLCP bùng phát quét sạch gần như toàn bộ đàn lợn trong xóm, khiến người dân lâm vào tình cảnh trắng tay. Hiện cả xóm chỉ còn 8 - 10 hộ dân may mắn đàn lợn chưa bị mắc bệnh nhưng họ cũng không dám chủ quan và hy vọng nhiều với tình hình dịch bệnh lây dan trên diện rộng và nguy cơ bùng phát như hiện nay.
Từ đầu năm đến tháng 5/2025, toàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ, phân bố rải rác tại các nơi: Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An và Thành phố (trước sáp nhập), chủ yếu dịch phát sinh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh chuồng trại chưa đảm bảo, công tác phòng dịch còn hạn chế, chưa tiêm phòng vắc xin. Đến tháng 6, 7/2025, trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát sinh nhiều ổ dịch và có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đáng kể đến ngành chăn nuôi và ảnh hưởng đến đời sống của người dân; số lượng lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính từ ngày 1/1/2025 đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh xảy ra 51 ổ dịch, gây mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 14.838 con lợn (4.021 con lợn nái, 10.817 con lợn thịt), tổng trọng lượng tiêu hủy là 711.621,0 kg của 2.840 hộ chăn nuôi/404 xóm, tổ. Hiện toàn tỉnh còn 47 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Bệnh DTLCP bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp trên địa bàn đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và tác động trực tiếp đến môi trường, đời sống của người dân.

Dịch tả lợn Châu Phi gây ảnh hưởng kinh tế và môi trường trong đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Triển khai quyết liệt các giải pháp để khống chế, kiểm soát dịch bệnh
Ngay từ đầu năm, tỉnh chủ động, tích cực trong phòng, chống DTLCP và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống DTLCP, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch DTLCP trên địa bàn tỉnh, gồm: Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 28/02/2025 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2025. Công văn số 1778/UBND-KT, ngày 17/6/2025 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phầm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng... Chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp. Thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại các địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Xuân Lập, quyền Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh cho biết: Trước tình hình diễn biến DBTLCP phức tạp, Chi cục cử nhiều lượt cán bộ xuống cơ sở trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khoanh vùng, tiêm phòng bao vây và các biện pháp chống dịch. Công tác giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện thường xuyên và liên tục từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo thông tin chính xác và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh khi có ổ dịch bệnh xảy ra, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống. Công tác vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc được quan tâm thực hiện để tiêu diệt mầm bệnh, thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, khu vực có dịch, các ổ dịch cũ, chợ buôn bán, điểm giết mổ gia súc, gia cầm... Tổng hóa chất đã sử dụng 12.373 lít với diện tích phun được là 19.144.148 m2. Triển khai tiêm phòng vắc xin để tạo miễn dịch chủ động cho đàn lợn thịt trên toàn tỉnh, kết quả, tiêm được 75.308 liều/77.550 liều được cấp.

Người dân chủ động tiêu hủy lợn dịch theo quy định.
Đặc biệt, những ngày qua, triển khai thực hiện Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 16/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa có ý kiến chỉ đạo tại Công điện số 15/CĐ-CT ngày 30/6/2025 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chủ động phối hợp, chỉ đạo, khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 109/CĐ TTg và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh ngay từ đầu năm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh DTLCP phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý. Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi thành lập các tổ công tác phối hợp với UBND cấp xã trực tiếp xuống cơ sở (đặc biệt là các xã đang bùng phát dịch bệnh), tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại xã Hạ Lang.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh khẩn trương tổ chức các hội nghị trực tuyến với các xã, phường triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, ngành nông nghiệp về phòng, chống DTLCP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển lợn bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch. Giám sát chặt chẽ việc giết mổ lợn trong vùng dịch; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch BLTCP tại địa phương; chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch, tránh thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống DTLCP và báo cáo ngay khi phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn.
Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng, các địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phòng,chống DTLCP nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, như: Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học vào trong chăn nuôi còn hạn chế. Trong khi đó mầm bệnh có sự thay đổi gen, tăng độc lực và khả năng gây bệnh, đường lây truyền đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát, do vậy việc xử lý, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền xã, phường mới được thành lập và đi vào vận hành nên còn lúng túng trong việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh động vật ở địa phương; nhiều xã, phường không có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, thú y; hiện nay không còn lực lượng thú y cấp xã, xóm gây ảnh hưởng rất lớn trong công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhất là công tác tiêm phòng các loại vắc xin trong thời gian tới. Nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật còn hạn chế, một số chưa hưởng ứng công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi; vẫn còn tình trạng bán chạy, vứt xác ra môi trường khi có lợn ốm, chết gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác kiểm soát, khống chế các ổ dịch...
Công cuộc chống DTLCP còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm toàn diện và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và sự chia sẻ của người dân, tin tưởng tỉnh sẽ từng bước kiểm soát tình hình, xử lý các điểm nóng, giữ vững an toàn chăn nuôi và bảo vệ môi trường sống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khôi phục ngành chăn nuôi và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.