Tập trung kiểm soát quy mô và nâng cao chất lượng dân số

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND, ngày 29/7/2017 về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục đích tiếp tục giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế, ổn định quy mô DS ở mức hợp lí; giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu DS, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu DS vàng; nâng cao chất lượng DS cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11, công tác DSKHHGĐ của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Cán bộ dân số vận động người dân thực hiện mô hình gia đình ít con

Cán bộ dân số vận động người dân thực hiện mô hình gia đình ít con

Tại cuộc giám sát gần đây của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh đã có những đánh giá khá tốt về kết quả thực hiện của ngành Dân số tỉnh. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại địa phương, đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND tỉnh; Kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Kế hoạch thực hiện đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; văn bản chỉ đạo thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ…; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với ngành Y tế tổ chức thực hiện Nghị quyết 11. Đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động dân số tại cơ sở để rút kinh nghiệm và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, xử lí những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết tại địa phương. Hằng năm đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về DS và phát triển vào kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Nhiều hoạt động thiết thực của ngành Y tế được triển khai tích cực, đồng bộ như: Các hoạt động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh, sơ sinh, tổ chức tư vấn, cung cấp dịch vụ DS- KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, nâng cao chất lượng DS cho đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 18 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; thành lập 36 câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi với hơn 2.000 người cao tuổi tham gia. Bộ máy cán bộ làm công tác DS được được kiện toàn và nâng cao về chất lượng. Ở tuyến huyện, trung tâm dân số sáp nhập vào trung tâm y tế, mỗi xã được bố trí một cán bộ chuyên trách DS. Hiện nay, toàn tỉnh có 141 viên chức DS cấp xã thuộc biên chế của trạm y tế; có 1.630 cộng tác viên dân số (CTVDS) thôn, bản, khu phố. Đội ngũ làm công tác DS năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong tuyên truyền, phổ biến các chính sách về DS- KHHGĐ cho người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

Ngành Y tế đã thực hiện tốt các đề án trong lĩnh vực DS- KHHGĐ, xây dựng được hệ thống thông tin tuyên truyền về công tác DS, thường xuyên triển khai công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ CTVDS. Xây dựng và triển khai thực hiện khá tốt các chính sách nhà nước về DS- KHHGĐ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và thanh thiếu niên, nhi đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 71 thôn, bản, khu phố tổ chức phát động xây dựng mô hình “Làng không có người sinh con thứ 3 trở lên”, có 37 làng đạt thành tích 3 năm, 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, được UBND tỉnh công nhận và khen thưởng với kinh phí trên 1,3 tỉ đồng để thực hiện các công trình phúc lợi dân sinh tại cộng đồng. Hằng năm, có trên 22% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và trên 25% trẻ sơ sinh được sàng lọc, chẩn đoán nhằm giảm thiểu tỉ lệ trẻ em sinh ra mắc các dị tật, dị dạng bẩm sinh…

Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Trương Hữu Thiện cho biết: “Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ban hành đã giải quyết được nhiều bất cập của công tác DS trong thời kì hiện nay. Đó là chuyển chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển. Ngành Y tế đã làm tốt công tác triển khai, phổ biến, quán triệt nghị quyết do vậy đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể nên nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Các địa phương đã chủ động cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với thực tế. Trong quá trình chỉ đạo vừa triển khai đồng bộ các giải pháp, vừa ưu tiên tập trung thực hiện một số giải pháp có tính đột phá góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 11 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở về công tác DS còn thiếu thường xuyên. Tình trạng đảng viên vi phạm chính sách DS trong những năm trở lại đây có chiều hướng tăng nhưng chưa được xử lí kịp thời như: Năm 2017, toàn tỉnh có 156 đảng viên sinh con thứ 3 trở lên mới xử lí kỉ luật 145 trường hợp; năm 2018, có 167 đảng viên vi phạm nhưng mới xử lí 111 trường hợp.

Công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, các mô hình truyền thông tại cộng đồng chưa được chú trọng. Hiện nay, phong trào xây dựng “Làng không có người sinh con thứ 3 trở lên” ở các địa phương có chiều hướng chững lại, nhiều địa phương hầu như không triển khai. Mức sinh vẫn còn cao, chưa đạt mức sinh thay thế. Hiện tại, Quảng Trị đang thuộc nhóm có mức sinh cao của cả nước, tỉ suất sinh đang ở mức 2,48 con. Đến nay, chỉ tiêu này vẫn chưa đạt như Nghị quyết 11 đề ra. Tỉ số giới tính khi sinh ở Quảng Trị đã ở mức cao 112,9 bé trai/100 bé gái. Hoạt động xã hội hóa các phương tiện tránh thai và xã hội hóa các dịch vụ KHHGĐ gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân chưa quen với việc chi trả chi phí dịch vụ này. Chất lượng DS còn thấp, tuổi thọ bình quân ở mức trên 68 tuổi, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước là 73 tuổi. Đại bộ phận người cao tuổi sống ở vùng nông thôn và ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên tỉ lệ người già mắc bệnh cao. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về chiều cao còn ở mức cao. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai ở tuổi chưa thành niên, li hôn, li thân trong giới trẻ ngày càng gia tăng. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại.

Một số chính sách hỗ trợ cho công tác DS theo phân cấp của Quyết định số 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa được bố trí trong Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh gồm: Chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức DS cấp tỉnh, huyện, xã và CTVDS; chính sách hỗ trợ xây dựng, duy trì, cập nhật hệ thống thông tin quản lí chuyên ngành, cơ sở dữ liệu chuyên ngành DS, chương trình truyền thông giáo dục về DS và phát triển. Một số định mức hỗ trợ theo Nghị quyết 11 còn thấp so với thực tế.

Chất lượng chuyên môn của một số CTVDS còn thấp, đặc biệt là khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhận thức của người dân về DS và chất lượng DS còn thiếu, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách về đầu tư các nguồn lực phù hợp và các giải pháp đồng bộ để kiểm soát tốt hơn quy mô và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn trong từng giai đoạn tiếp theo.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143831