Tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền để giảm thiểu tác động của dịch bệnh

Ngày 10-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về 4 nội dung: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo chủ chốt các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương trong cả nước về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Thế Hùng.

Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc ngay việc không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi nên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả việc cách ly xã hội. Thủ tướng cũng bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do cách ly xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.

Cho rằng, các nội dung thảo luận tại hội nghị rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm…

Thảo luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 chỉ tăng 3,82%, là mức tăng thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng; mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt. Bên cạnh đó, theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc... Tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong hoàn cảnh đó, Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế - xã hội. Đó là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi. Ước tính, có tới 98% tổng số doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện đã nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng…

Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể là tháng 3-2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động giảm lãi suất điều hành, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kể cả nợ gốc và lãi đối với các khoản nợ trong thời gian từ ngày 23-1-2020 đến sau 3 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch mà không bị chuyển thành nợ quá hạn, không phải trả nợ gốc, lãi...

Đối với việc hỗ trợ người dân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, gói hỗ trợ hơn 62.000 tỷ đồng cho 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua. Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình, quy chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai của từng đối tượng, thành phần được hỗ trợ. Dự kiến trong tháng 4 và tháng 5-2020 sẽ triển khai hỗ trợ cho các đối tượng được thụ hưởng.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đóng góp một số ý kiến về những giải pháp mà Hà Nội đã, đang thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, Hà Nội quyết không cắt giảm vốn đầu tư công mà cắt giảm 5% chi thường xuyên, sau khi đã giảm 10% so với dự toán trước đây. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm sửa đổi, ban hành một số chính sách mới cho phù hợp với tình hình, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công. “Đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội đang phấn đấu để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định. (Xem tiếp)

Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, trong đó Hà Nội, Hải Phòng đã quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, có các giải pháp kịp thời và rất sắc bén.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, khi sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly xã hội một cách nghiêm túc. Thủ tướng cũng nêu rõ, việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay; bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để ổn định cuộc sống, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị “âm” trong phát triển kinh tế. Phải tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đến đầu tư, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội, “có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm”, Thủ tướng nói.

“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu “kép” là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình thực hiện, chống đầu cơ nâng giá, tìm thị trường mới, biến "nguy" thành "cơ".

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế; tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ngay. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay. Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hà Phong - Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/964100/tap-trung-lam-ngay-viec-cap-bach-trong-tham-quyen-de-giam-thieu-tac-dong-cua-dich-benh