Tập trung lực lượng cứu trợ người dân vùng lũ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 115,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên là khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 22 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 115,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên là khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km. Ðến 22 giờ hôm nay (23-10), vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ vĩ bắc; 113,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/giờ), giật cấp 14. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Ðông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 118,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14; sóng biển cao 6-8 m; biển động dữ dội.
Chiều 22-10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, triển khai ứng phó bão số 8. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao tính chủ động của các cấp chính quyền, người dân Quảng Bình trong công tác ứng phó thiên tai, mưa lũ. Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần tập trung lực lượng, huy động phương tiện để kịp thời cứu trợ, không để dân thiếu ăn, thiếu nước uống; tổ chức tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ bảo đảm hợp lý để vừa đến tay người dân nhưng vẫn an toàn cho người đi cứu trợ; nhanh chóng xây dựng kế hoạch khắc phục, giúp dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Trước đó, sáng cùng ngày Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Ngày 22-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã họp bàn các biện pháp ứng phó bão số 8. Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT. Ðối với các tàu còn nằm trong khu vực nguy hiểm, đề nghị các lực lượng chức năng có biện pháp thông tin, kêu gọi chủ tàu và phương tiện tránh trú, di chuyển vào vị trí an toàn. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản cần cung cấp danh sách các tàu còn nằm trong khu vực nguy hiểm cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT.
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT, tính đến 17 giờ ngày 22-10, mưa lũ đã làm 117 người chết, 21người mất tích. Tại Hà Tĩnh còn 5.843 hộ bị ngập; tại Quảng Bình, số hộ bị ngập là 21.899 hộ.
Ngày 22-10, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn còn hơn 26.500 nhà bị ngập nước nên nhiều người đi tránh lũ chưa thể trở về nhà. Tỉnh quyết định trích từ ngân sách 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho 100 nghìn hộ bị ngập lụt với mức mỗi hộ một triệu đồng.
Tại Hà Tĩnh, sáng 22-10, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đi kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt tại một số trường mầm non và thăm hỏi, động viên người dân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên. Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan đi kiểm tra công tác khắc phục lũ lụt tại Thạch Hà và cơ sở sấy lúa tại Can Lộc. Tỉnh đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục phương châm “nước rút tới đâu làm vệ sinh môi trường tới đó”, bảo đảm điều kiện an toàn khi học sinh đến trường.
Ngày 22-10, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định phân bổ 1.000 tấn gạo Chính phủ hỗ trợ để cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Theo đó, huyện Lệ Thủy 200 tấn, Quảng Ninh 150 tấn, Bố Trạch 150 tấn, Minh Hóa 130 tấn, Tuyên Hóa 120 tấn, Quảng Trạch 100 tấn, thị xã Ba Ðồn 140 tấn và thành phố Ðồng Hới 10 tấn.
Ngày 22-10, UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, khu vực núi Ba Cồn tại thôn Ðạm Thủy 2, xã Thạch Hóa xuất hiện vết nứt lớn và gây sạt lở, chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp 20 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Trước đó, khoảng 20 giờ tối 17-10, lượng lớn đất đá trên núi Ba Cồn ở thôn Ðạm Thủy 2 sạt lở xuống làm hỏng bốn ngôi nhà. Lực lượng chức năng xã Thạch Hóa hỗ trợ di dời 21 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện phía trên ngọn núi Ba Cồn có một đường nứt rất lớn, đất đá đang tiếp tục sạt lở trên diện rộng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một số vùng bị ngập nặng ở các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đang bị mất liên lạc. Bộ đã có Công điện số 10 ngày 21-10, chỉ đạo các trạm viễn thông lân cận tăng công suất phát sóng để phủ sóng đối với các khu vực mất liên lạc.
Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tính đến 16 giờ ngày 22-10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu với 289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 8.
Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. Cụ thể, các tỉnh được hỗ trợ xuồng cao tốc các loại; nhà bạt cứu sinh các loại; phao cứu sinh các loại; máy phát điện loại 30 KVA…
Mấy ngày qua, triều cường trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã gây tràn bờ, sạt lở 15 điểm đê bao, bờ bao với tổng chiều dài gần 200 m, 36 căn nhà ở của người dân bị ngập tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành và Bình Ðại. Sự cố sạt lở, tràn bờ bao làm thất thoát khoảng 126 tấn cá tra nuôi; 14 ha nuôi tôm quảng canh và 37 ha vườn cây ăn quả bị ngập.
Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích lúa chín ngập trong nước, hạt nảy mầm nhưng vẫn chưa thu hoạch được. Tỉnh Cà Mau còn khoảng 14.000 ha lúa hè thu đã chín đang chờ thu hoạch, trong đó, nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời 13.260 ha. Tỉnh Bạc Liêu có hơn 20.000 ha lúa bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, nhiều diện tích lúa hè thu muộn bị ngập, lên mộng. Tình trạng lúa bị ngập kéo dài ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nên giá giảm từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg.