Tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất vụ đông xuân
Kết quả sản xuất năm 2019 của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội phát triển, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vụ đông xuân 2019-2020 đang cận kề. Đây là vụ sản xuất được xác định gặp nhiều khó khăn như hạn hán, thiếu nước sản xuất và các đối tượng dịch hại như chuột, ốc bươu vàng, bệnh lùn sọc đen… có nguy cơ phát sinh gây hại nặng ngay từ đầu vụ. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Quảng Trị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sở đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu các đơn vị trong ngành có liên quan khẩn trương chỉ đạo, thực hiện để chủ động tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tập trung nguồn lực triển khai tổ chức sản xuất, trong đó chú trọng các giải pháp để khống chế dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng. Áp dụng khoa học và công nghệ, xây dựng cánh đồng lớn, các vùng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Phối hợp với các địa phương để rà soát, quy hoạch các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả và hỗ trợ chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước và hiệu quả hơn.
Chỉ đạo sát đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, đặc biệt tập trung sử dụng giống ngắn ngày, cực ngắn, giống chất lượng cao vào sản xuất nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm nước, giảm chi phí sản xuất. Bộ giống lúa chủ lực để sản xuất gồm: HN6, Thiên Ưu 8, LDA1, NA2, RVT, Bắc Thơm 7, Lộc Trời 1, Bắc Hương 9, Khang Dân 18, TBR 279, TBR1, TBR225, Đài Thơm 8, Bắc Thịnh...; mở rộng diện tích các giống đã khảo nghiệm có triển vọng trên địa bàn tỉnh như: ADI168, BG1 (gạo đỏ), DQ11, ST24, N26, DT100, Sơn Lâm 1, DT45, Đông A1...; chỉ đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa có nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp, không sử dụng thóc thịt làm giống.
Tăng cường tuyên truyền phát động các tổ chức, đoàn thể và toàn dân ra quân đồng loạt để vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng, cây mai dương, làm đất sớm để diệt trừ nguồn bệnh lùn sọc đen; áp dụng cơ giới để giảm bớt chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch để đảm bảo được thời vụ, giảm tổn thất do thiên tai gây ra, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế.
Tăng cường áp dụng các biện pháp kĩ thuật canh tác tiên tiến, các biện pháp quản lí cây giống tổng hợp (1 phải, giảm 5), đặc biệt tăng diện tích áp dụng sạ hàng để giảm lượng giống gieo, hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế.
Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để tiến hành gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT. Tuyệt đối không cơ cấu giống lúa dài ngày, giống không rõ nguồn gốc, giống không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh vào sản xuất.
Tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung và sản xuất nông sản mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Sản xuất có liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm.
Tăng cường công tác điều tra để dự tính, dự báo sâu bệnh hằng tuần, hằng tháng và hằng vụ chính xác, kịp thời. Hướng dẫn về phòng trừ các đối tượng dịch hại đang phát sinh mạnh trên địa bàn có khả năng ảnh hưởng lớn đến năng suất như: Lùn sọc đen, chuột, ốc bươu vàng, bệnh bạc lá, đạo ôn, rầy, khô vằn… hại lúa, bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, rệp sáp bột hồng hại sắn…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145067