Tập trung nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục
Những năm qua, ngành giáo dục luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy, quá trình dạy, học trong các nhà trường đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, giúp học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng mang lại hiệu quả cao trong học tập.
Những chuyển động từ cơ sở
Những năm học gần đây, các thầy giáo, cô giáo Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, Ðà Nẵng) thực hiện biên soạn giáo án tích hợp và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Thay vì giảng dạy theo lối truyền thụ kiến thức một chiều như trước, mỗi giờ học trở thành những giờ sáng tạo và đầy hứng khởi của cả thầy và trò.
Thầy giáo Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng cho biết, ứng dụng CNTT giúp bài giảng của giáo viên trở nên sinh động, gắn lý thuyết với hình ảnh thực tiễn, có minh họa cụ thể giúp học sinh tiếp thu bài giảng nhanh hơn. Việc ứng dụng CNTT đã khơi dậy niềm đam mê học tập cũng như khả năng tự học, tự nghiên cứu của mỗi học sinh. Cô giáo Trương Thị Thủy, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Lương Bằng chia sẻ, Ngữ văn được xem là môn học khó ứng dụng CNTT, nhưng giáo viên đã cố gắng soạn giáo án điện tử có hình ảnh minh họa. Từ khi nhà trường ứng dụng thiết bị bảng tương tác thông minh U-pointer vào dạy học đã giúp các tiết học sôi động, hấp dẫn hơn. Trước đây giáo viên tự tìm hình ảnh hoặc các tác phẩm liên quan bài học để mang đến lớp, thì hiện nay, học sinh đã cùng giáo viên tìm hiểu, chia sẻ các hình ảnh, thảo luận bài học sôi nổi.
Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng được các trường học trên địa bàn Hà Nội triển khai khá tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới giáo dục. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, trường đã triển khai mô hình "Nhà trường chủ động và sáng tạo; xây dựng kế hoạch giáo dục" đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thời gian đầu, việc đổi mới còn có phần lúng túng, cơ học, nhưng sau mỗi năm, sự chủ động, sáng tạo trong mỗi thầy giáo, cô giáo tăng lên, việc đổi mới phương pháp ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả tích cực trong nâng cao chất lượng dạy học. Những kiến thức, phương pháp cũ, lạc hậu đã được bổ sung, cập nhật kiến thức mới với phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động học cho học sinh ngày càng đa dạng, phong phú.
Ðặc biệt, các môn học đều được giáo viên chú trọng tổ chức dạy học trải nghiệm; phương pháp kiểm tra, đánh giá theo xu hướng đánh giá quá trình người học, tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Ba năm học trước, kế hoạch giáo dục nhà trường chủ yếu là các chuyên đề đơn môn thì đến nay các chuyên đề liên môn được xây dựng và thực hiện. Việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học giúp học sinh được tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập, tự tìm hiểu, khai thác kiến thức, từ đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục Hải Phòng luôn đạt thành tích cao, nhiều năm có học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Ô-lim-pích khu vực và quốc tế các môn Vật lý, Sinh học, Toán học. Ðể đạt được kết quả đó, Hải Phòng đã thực hiện nhiều biện pháp và giải pháp khác nhau, trong đó phải kể đến là việc được giao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Ðến nay, tất cả các trường phổ thông đã thực hiện việc rà soát chương trình, cấu trúc sắp xếp lại nội dung dạy học, xây dựng các chủ đề dạy học. Tại tỉnh Hưng Yên, ngành giáo dục thường xuyên chỉ đạo các trường thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy giữa giáo viên các trường.
Phát huy vai trò tự chủ của nhà trường
Thực tế cho thấy, việc đổi mới phương pháp dạy học và hoạt động giáo dục được thực hiện từ nhiều năm, nhưng phải đến năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) mới giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, các địa phương, trường học đã nỗ lực và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD và ÐT Hà Nội) Kiều Văn Minh cho biết, Sở luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Việc bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, không chỉ ở trong nước mà còn mời các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đại học ở trong nước và nước ngoài đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; đưa giáo viên cốt cán sang những nước có nền giáo dục tiên tiến học tập, bồi dưỡng. Ðồng thời, hằng năm, tổ chức các diễn đàn giáo dục, tổ chức hội thảo, hội nghị cũng như các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, đổi mới, sáng tạo trong dạy học…
Theo PGS,TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT), từ việc giao quyền cho giáo viên và các trường chủ động kế hoạch dạy học đã tạo thuận lợi cho các nhà trường có điều kiện áp dụng các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục tiên tiến. Trên cơ sở kế hoạch dạy học được phê duyệt, tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên đã thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề mà không nhất thiết phải theo bài, tiết trong sách giáo khoa. Mỗi chủ đề được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của bài học.
Các nhiệm vụ học tập được thực hiện ở trên lớp hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, nhiều trường chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học, ở nhà và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình giáo dục tích cực như: Thỉnh giảng giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy một số tiết tiếng Anh; tổ chức câu lạc bộ Văn học (hình thức trại sáng tác); xây dựng trường, lớp xanh, sạch; dạy học gắn với di sản; dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh; trường học du lịch; trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng các dân tộc… được triển khai hiệu quả ở các địa phương, tác động tích cực đến đổi mới giáo dục.
Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, điều quan trọng nhất đối với đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông hiện nay là tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Ðó là sự đổi mới về mục tiêu giáo dục. Khi đã thay đổi mục tiêu thì nội dung, phương pháp cũng đổi mới. Vì vậy, cùng với những giải pháp đồng bộ triển khai đổi mới từ cơ sở, năm 2019, Bộ GD và ÐT đã tổ chức để các trường đại học sư phạm tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới cho 28 nghìn giáo viên phổ thông cốt cán và gần 6.000 cán bộ quản lý giáo dục cốt cán của
63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng cần tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện hoạt động đổi mới hiệu quả. Các trường cần nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới và căn cứ chương trình giáo dục phổ thông hiện hành lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một bài học tích hợp của từng môn hoặc liên môn. Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận, vận dụng kiến thức mới thông qua nhiệm vụ học tập đặt ra; tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực…