Tập trung ngăn chặn dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Cuối năm 2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh tại thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc). Với sự vào cuộc của ngành chức năng, sau hơn 1 tháng dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2/2021 đến nay, dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên địa bàn huyện Mai Châu với những diễn biến phức tạp.

Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra đàn bò bị mắc bệnh VDNC trên địa bàn xã Bao La (Mai Châu).

Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra đàn bò bị mắc bệnh VDNC trên địa bàn xã Bao La (Mai Châu).

Dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp

Bệnh VDNC lần đầu xuất hiện tại khu Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), với 62 con bò mắc bệnh, chết 2 con. Đây là dịch bệnh mới trên trâu, bò, bệnh do virus gây ra. Sau khi phát hiện dịch bệnh, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt, thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, từ ngày 17/2/2021, trên địa bàn các xã: Tòng Đậu, Chiềng Châu (Mai Châu) xuất hiện một số con bò mắc bệnh VDNC. Đến nay, dịch bệnh bùng phát tại 7 xã, thị trấn, gồm: Tòng Đậu, Chiềng Châu, Mai Hạ, Mai Hịch, Nà Phòn, Bao La, thị trấn Mai Châu. Theo UBND huyện Mai Châu, hiện toàn huyện có trên 120 con bò mắc bệnh, trong đó chết 8 con.

Xã Bao La là địa bàn bùng phát dịch mới nhất của huyện Mai Châu. Anh Hà Văn Châu, cán bộ thú y xã cho biết: Từ ngày 19/3, trên địa bàn xã xuất hiện bò mắc bệnh VDNC, với số lượng 13 con, tập trung chủ yếu ở xóm Chiềng Pùng. Sau khi nhận được thông tin phản ánh của bà con, UBND xã đã báo cáo UBND huyện và triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh, như tiêm điều trị triệu chứng trên da, khuyến cáo bà con nuôi nhốt, cách ly gia súc bị bệnh, thực hiện phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại.

Gia đình bà Hà Thị Thưởng là một trong những hộ ở xóm Chiềng Pùng có bò bị mắc bệnh. Gia đình bà nuôi 3 con bò, trong đó có 1 con bê mắc bệnh, với nhiều nốt sần xuất hiện trên da. Bà Thưởng cho biết, sau khi phát hiện bò bị bệnh, gia đình đã cách ly riêng để tiện theo dõi và phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi. "Đây là bệnh mới nên chúng tôi cũng hoang mang, lo lắng, mong sớm có vắc xin để tiêm cho bò khỏi bệnh” - bà Thưởng bày tỏ. Đó cũng là mong muốn chung của những hộ dân có bò mắc bệnh.

Đồng chí Trần Mạnh Tân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mai Châu cho biết: Từ khi bùng phát trên địa bàn, dịch mới xảy ra trên bò. Hiện, tổng đàn bò của huyện trên 16 nghìn con. Các xã: Bao La, Chiềng Châu, Tòng Đậu là những địa bàn có số lượng bò mắc bệnh nhiều nhất. Toàn huyện đã có 8 con bò chết vì dịch VDNC nên nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là tiêm vắc xin thì nguy cơ thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi của huyện. Thực tế, khi địa bàn xã Chiềng Châu xảy ra dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiêm vắc xin cho 18 con bò, số bò này hiện hồi phục tốt.

Nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngoài địa bàn huyện Mai Châu, ở xã Liên Sơn (Lương Sơn) cũng ghi nhận những trường hợp trâu, bò nghi mắc bệnh VDNC. Hay như huyện Tân Lạc, hiện đã phát sinh thêm 5 con bò bị bệnh VDNC trên địa bàn xã Phong Phú. Với những diễn biến như vậy, có thể nói dịch VDNC đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, người chăn nuôi không nên hoang mang, lo lắng, bởi bệnh này trên thế giới đã có vắc xin. Trước mắt, các địa phương, người chăn nuôi cần theo dõi sát sao vật nuôi, báo cho cơ quan chức năng khi vật nuôi có các biểu hiện như sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi nốt sần có đường kính 2 - 5 cm.

Bệnh VDNC do virus gây ra, đường lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, mòng, ruồi, ve. Khi thời tiết ấm lên là điều kiện thuận lợi để các vật truyền bệnh nói trên hoạt động, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn. Do đó, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng, tiêu độc, diệt ruồi, muỗi, ve, mòng. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh cần thực hiện cách ly, không chăn thả chung với trâu, bò khác.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã nắm thông tin kịp thời, chỉ đạo ngành chăn nuôi và thú y đã, đang triển khai các biện pháp để ngăn chăn dịch bệnh. Tới đây sẽ sớm có vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC, đề nghị các địa phương vừa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, có các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt là bố trí kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC đảm bảo yêu cầu.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/151018/tap-trung-ngan-chandich-viem-da-noi-cuc-tren-trau,-bo.htm