Tập trung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là công tác luôn được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh. Hằng năm, Sở KH&CN Quảng Trị đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác này và thu được những kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

 Đề tài đưa giống cây cà phê mới vào trồng thử nghiệm trên đất Hướng Hóa của Trung tâm Khuyến nông tỉnh mang lại kết quả tốt - Ảnh: T.C.L

Đề tài đưa giống cây cà phê mới vào trồng thử nghiệm trên đất Hướng Hóa của Trung tâm Khuyến nông tỉnh mang lại kết quả tốt - Ảnh: T.C.L

Năm 2020, Sở KH&CN đã triển khai 6 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc chương trình nông thôn, miền núi; 26 nhiệm vụ cấp tỉnh; 15 nhiệm vụ cấp cơ sở. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sở đã triển khai có hiệu quả các đề tài, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ nông dân sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, tập trung đi sâu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực của tỉnh và một số cây trồng, con nuôi có tiềm năng, triển vọng phát triển theo hướng bền vững thông qua tuyển chọn bộ giống có chất lượng, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao.

Các đề tài, dự án về nghiên cứu ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật nuôi cấy mô và giâm hom cây lâm nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc trồng rừng kinh tế thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lên 30% và tăng độ che phủ rừng; nghiên cứu, khảo nghiệm tập đoàn giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao, phục tráng giống HC95; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc an toàn VietGAHP; nghiên cứu, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam ở vùng đồi K4; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học để xây dựng, tuyển chọn các giống cà phê chè có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, canh tác tại Hướng Hóa; triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi tôm, từ đó tăng được mật độ nuôi, tăng năng suất và hạn chế được dịch bệnh; tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản suất và sử dụng chế phẩm Probiotic bổ sung thức ăn nuôi trồng thủy sản... Ngoài ra, sở đã tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình thử nghiệm một số loại cây trồng mới, tiềm năng như: Cây dược liệu, dâu tây chịu nhiệt, ổi Đài Loan, hoa tuylip, hoa lyly, sâm Bố Chính… Nhiều loại cây trồng thông qua các nhiệm vụ KH&CN trồng thử nghiệm đã phát triển tốt.

Đặc biệt, các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi năm qua đã thiết thực hỗ trợ cho người dân vùng ven biển phát triển sản xuất, ổn định đời sống sau sự cố môi trường biển tháng 4/2016 và tập trung phát triển các cây, con chủ lực, tiềm năng của tỉnh như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị” đến nay đã được nghiệm thu cấp quốc gia; dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm theo chuỗi giá trị cho người dân vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển và miền núi tỉnh Quảng Trị”.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ đã tập trung triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, các nhiệm vụ hoàn thiện, chuyển giao các công nghệ, các mô hình mới gắn với thực tiễn sản xuất của các đơn vị, địa phương. Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, nhiều kỹ thuật, công nghệ tiến bộ đã được nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao mang lại kết quả cao. Đến nay, Sở KH&CN đã làm chủ, chuyển giao và sẵn sàng chuyển giao 10 quy trình, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống như: Quy trình sản xuất các loại giống cây trồng bằng phương pháp invitro chất lượng cao; quy trình phân lập và nghiên cứu, sản xuất thành công 6 loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất và đời sống; các quy trình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; sơ chế, bảo quản các loại nông sản; sản xuất một số thức uống, thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây dược liệu; quy trình chế biến sâu một số sản phẩm; quy trình sấy; sản xuất các loại rau, hoa; trồng và thu hái cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP... Ngoài ra, đã nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, làm chủ quy trình công nghệ sản xuất và thương mại được hơn 10 dòng sản phẩm chế biến khác nhau từ các loại nông sản.

Lĩnh vực công nghệ sinh học cũng có bước tiến vượt bậc. Các thành tựu trong về ứng dụng công nghệ tế bào đã giúp bảo tồn, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây hoa và dược liệu có giá trị kinh tế cao; các loại chế phẩm vi sinh vật được sản xuất với chất lượng tốt phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; lĩnh vực sinh học phân tử…đã đóng góp quan trọng phục vụ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 06- CT/TU của BTV Tỉnh ủy về “đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”.

Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng Bắc Hướng Hóa là nơi tập trung triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao với các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và hệ thống nhà kính hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0 để theo dõi, giám sát, điều khiển từ xa quá trình sản xuất và vận hành hệ thống, áp dụng thành công khoa học kỹ thuật để triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp và dược liệu. Nhiều nhiệm vụ KH&CN đạt được kết quả cao nhờ ứng dụng có hiệu quả các công nghệ chủ chốt như: Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lyly tại Quảng Trị; xây dựng mô hình trồng cây cà chua cherry siêu ngọt, cây dâu tây chịu nhiệt tại vùng Bắc Hướng Hóa; nghiên cứu ứng dụng hệ thống cảm biến trong điều khiển, theo dõi, giám sát từ xa quá trình chăm sóc cây nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng mô hình nhà kính hiện đại phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất một số loại cây trồng có giá trị cao phù hợp với điều kiện tỉnh Quảng Trị; mô hình nhà lưới trồng thử nghiệm cây dược liệu công nghệ cao...

Công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN trên địa bàn luôn được Sở KH&CN triển khai thực hiện song hành. Thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn đã mang lại những kết quả khả quan. Đánh giá về hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn trên địa bàn, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Trị Trần Ngọc Lân cho biết: “Thông qua kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, nhiều doanh nghiệp có cơ hội bứt phá vươn lên tiếp cận thành tựu KH&CN tiên tiến; đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cao chất lượng, giá trị, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Các mô hình sản xuất mới được hình thành và nhân rộng tạo ra nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương”.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154588