Tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội

Giai đoạn 2025-2030, thành phố Hà Nội sẽ bố trí 6 nghìn tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho nguồn tín dụng chính sách xã hội. Thành phố yêu cầu, nguồn vốn vay này phải được triển khai đến đúng đối tượng, kịp thời, nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

Gia đình chị Đào Thị Ngọc Quyên (ở phường Phú Lương, quận Hà Đông) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhờ Hội Cựu chiến binh phường Phú Lương, gia đình chị đã được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn vay này, chị đã cải tạo cửa hàng tạp hóa, mở rộng quy mô để kinh doanh, nâng cao thu nhập, có chi phí để nuôi các con ăn học. Chị Quyên chia sẻ: "Đây là nguồn vốn ý nghĩa, thiết thực, kịp thời đối với người dân còn khó khăn".

Đây là một trong những kết quả có được từ 46 Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông thời gian qua. Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận Nguyễn Quang Hòa, để đưa nguồn vốn chính sách tới đúng các đối tượng, Hội Cựu chiến binh các phường đã rà soát các hộ khó khăn trên địa bàn, thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận và chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội đã duy trì nghiêm việc giao ban ba tháng một lần giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội, đoàn thể quận, kịp thời nắm bắt tình hình, không để xảy ra tình trạng phát sinh nợ quá hạn hay có lãi tồn đọng, các thành viên đều trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn, sử dụng vốn có hiệu quả.

Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp sớm chuyển vốn ủy thác năm 2025 theo quyết định bố trí vốn đã ban hành, tập trung giải ngân kịp thời nguồn vốn thu hồi và vốn bổ sung; tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ tín dụng, nâng mức cho vay đối với khách hàng, nâng dư nợ cho vay đối với địa bàn cấp xã, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, công tác ủy thác cho vay, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn..., phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu, nhiệm vụ được trung ương và thành phố giao.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Đặng Đức Hạnh cho biết, quý I/2025, doanh số cho vay các chương trình ủy thác qua tổ chức chính trị-xã hội đã đạt 2.172 tỷ đồng với 28.558 lượt khách hàng vay vốn, tăng 568 tỷ đồng (tương ứng tăng 35%) so với cùng kỳ năm 2024. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu các chương trình: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội, học sinh sinh viên...; doanh số thu nợ đạt 1.326 tỷ đồng, chiếm 61% doanh số cho vay.

Trong giai đoạn 2020-2025, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân 30.188 tỷ đồng cho 601.562 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng đặc thù của thành phố được vay vốn, góp phần duy trì và mở rộng việc làm cho 428.177 lao động; hỗ trợ xây mới, cải tạo 304.544 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 656 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và 632 căn nhà cho các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách xã hội, ngày 20/2/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 299-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư "về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới".

Theo kế hoạch này, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ tập trung bố trí vốn từ ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố khoảng 6 nghìn tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, trong đó, tập trung quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người chấp hành xong án phạt tù, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, các đối tượng bị mất việc làm, chưa có việc làm, học sinh sinh viên vay vốn phục vụ học tập, các đối tượng thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội...

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và từng địa phương trong bối cảnh mới.

GIA MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tap-trung-nguon-luc-cho-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-post875071.html