Tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng cho văn hóa

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ví như một 'đại công trình', nhằm tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng cho phát triển văn hóa. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.

Nhiệm vụ cần tập trung làm ngay

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được triển khai bằng nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, chiến lược... “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam nhằm khắc phục những bất cập lâu nay khi chúng ta nhận thức văn hóa phải đặt ngang bằng kinh tế, chính trị nhưng nguồn lực đầu tư không tương xứng nên không tạo được chiều sâu trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc ngày 4.8.

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát khu vực đang thực hiện di dời dân cư tại Kinh thành Huế. Ảnh: CTV

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục khảo sát khu vực đang thực hiện di dời dân cư tại Kinh thành Huế. Ảnh: CTV

Thực tế, trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi Chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp, ảnh hưởng đến hoạt động trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích nói riêng, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật nói chung. Vì thế, trong các cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương nhiều lần kiến nghị sớm triển khai xây dựng lại Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Việc triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thực hiện theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây cũng là một trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung làm ngay trong kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa 2022 và được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành” tại cuộc làm việc ngày 31.3.2023.

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình là huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Cùng với đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thiện thể chế, thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực văn hóa…

Theo Chương trình, đến năm 2030 phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, xã có trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương; 85% địa phương, cơ quan, đơn vị đạt các danh hiệu văn hóa...

Hàng năm, có từ 10 - 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 - 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Khai thông tư tưởng, tập trung nguồn lực

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh 2 vấn đề rất lớn cần được chú trọng khi xây dựng, triển khai Chương trình là khai thông tư tưởng và tăng cường sự năng lực lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người. Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đào Duy Quát đồng tình khi cho rằng, người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với chấn hưng, phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta phải có giải pháp đột phá để đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa thực sự đi đầu trong công tác chấn hưng văn hóa; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng các tài năng trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật...

Không kỳ vọng Chương trình sẽ giải quyết được hết khó khăn của lĩnh vực văn hóa, nên cần xem xét những mục tiêu ưu tiên, then chốt để ưu tiên đầu tư, bảo đảm tính khả thi. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi kiến nghị, cách tiếp cận và nội hàm của Chương trình cần gọn gàng hơn để dễ thực hiện và đánh giá hiệu quả; tập trung vào cơ chế, chính sách đầu tư để phát triển văn hóa; đồng thời chú trọng lĩnh vực văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hó xã hội. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đề xuất áp dụng mô hình thí điểm cơ chế có kiểm soát (sandbox) để phát triển văn hóa đa dạng, phân cấp giữa thành phố lớn, đô thị và nông thôn.

Nhấn mạnh nguồn lực không nên dàn trải mà cần tập trung, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề xuất bổ sung cơ chế xã hội hóa để khơi dòng nguồn lực quan trọng đầu tư cho lĩnh vực này. “Khi được tạo điều kiện thì nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tham gia, qua đó tạo ra hiệu quả và Chương trình sẽ được quan tâm hơn, thu hút nguồn lực từ các thành phần khác”.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tap-trung-nguon-luc-dau-tu-tuong-xung-cho-van-hoa-i339155/