Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông
Năm 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện mục tiêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình, dự án giao thông có tính liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn mới. Nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông thường xuyên được kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bố trí kịp thời nguồn vốn giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đảm bảo hạ tầng giao thông đầu tư thông suốt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn trực thuộc nghiên cứu kỹ phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đề xuất danh mục dự án hạ tầng giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Thực hiện công tác thẩm định, trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án: Mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.310C, đoạn từ Quốc lộ 2C đến Quốc lộ 2B…
Ban hành Chỉ thị số 03 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý dự án (QLDA) cấp tỉnh, cấp huyện đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn theo hướng sát với thực tế và khả năng hấp thụ vốn của từng dự án.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được giải quyết và cơ bản có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhờ sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể.
Quý I/2025, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt hơn 1.393 tỷ đồng, đạt 20,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao năm 2025 và đạt 18,1% tổng số vốn kế hoạch đã giao năm 2025, cao hơn cùng kỳ năm 2024, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước, đứng thứ Nhất về giải ngân vốn đầu tư công vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tại dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc, đoạn từ Quốc lộ 2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú do Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, đến nay dự án đã được các nhà thầu tập trung thiết bị, nhân lực thi công xong 3,6/4,1km phần nền đường, mặt đường của tuyến chính và 0,6/0,9 km phần nền đường của tuyến nhánh; giá trị giải ngân kế hoạch vốn đạt hơn 200 tỷ đồng.
Trong buổi khảo sắt, nắm bắt tình hình triển khai thực địa dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, tỉnh sẵn sàng bố trí nguồn vốn để ưu tiên giải ngân cho công trình; đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các địa phương liên quan tích cực phối hợp giải quyết dứt điểm vướng mắc, nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công chậm nhất ngày 30/5, phấn đấu thông xe kỹ thuật vào ngày 31/8.
Từ ngày 10/3 - 10/7/2025, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh triển khai thi công xây dựng cầu vượt ĐT.310B thuộc dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuyến phía Bắc, đoạn từ KCN Khai Quang (Vĩnh Yên) đến đường 36m KCN Bình Xuyên đi KCN Bá Thiện. Đây là hạng mục quan trọng trong tổng thể dự án, không chỉ tạo điểm nhấn về hạ tầng giao thông mà còn giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến.
Triển khai dự án bảo đảm an toàn cho các phương tiện và người qua lại trên tuyến, đại diện liên danh nhà thầu cho biết: Trong quá trình thi công như gia cố nền đường, trụ cầu, kết cấu nhịp cầu vượt cho đến khi gác dầm cầu và hoàn thành dự án, nhà thầu cam kết bố trí đầy đủ hệ thống đảm bảo an toàn giao thông trên công trường. Bên cạnh đó, thông báo cho người tham gia giao thông nắm bắt được thời gian thi công cầu để có hướng di chuyển hợp lý, tránh ùn tắc.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểmcủa tỉnh trong năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, Ban QLDA ĐTXD cấp tỉnh và cấp huyện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho các dự án cần thiết, ưu tiên cho các công trình trọng điểm, quy mô lớn, không để xảy ra tình trạng “công trình chờ vốn”, “vốn chờ công trình”.
Sở Tài chính chuẩn bị các nội dung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2026 - 2030 theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Các sở: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công thương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương xử lý các vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến giá thị trường, bảo đảm theo quy định pháp luật; hướng dẫn các đơn vị, nhà thầu di chuyển, hoàn trả các công trình điện, nước... trong phạm vi dự án khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, bảo đảm phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.