Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối giảm ùn tắc giao thông. Đó là nhiệm vụ đặt ra với ngành giao thông Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Cầu cạn đi qua hồ Linh Đàm được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông tại khu vực. Ảnh: Thu Hà

Cầu cạn đi qua hồ Linh Đàm được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông tại khu vực. Ảnh: Thu Hà

Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối giảm ùn tắc giao thông. Đó là nhiệm vụ đặt ra với ngành giao thông Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.

Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng đã được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng như đường Vành đai 3 (đoạn trên cao và dưới thấp từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long), cầu cạn đi qua hồ Linh Ðàm, cầu vượt Nguyễn Văn Huyên -
Hoàng Quốc Việt… Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác cũng đang được tích cực hoàn thiện như đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng), đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội -
Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, những thành quả đạt được mới chỉ là bước đầu và đang trong quá trình hiện thực hóa quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông và trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; ùn tắc giao thông vẫn là thách thức lớn, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn, vận tải hành khách công cộng chưa phát triển...

Chính vì vậy, một trong ba khâu đột phá quan trọng được Ðảng bộ thành phố khóa 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là "Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị". Trong đó, thành phố ưu tiên hạ tầng kết nối thuận lợi giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh; kết nối liên vùng với các địa phương; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị vệ tinh và các huyện dự kiến thành lập quận nhằm bảo đảm đáp ứng tiêu chí quy hoạch đô thị theo quy định.

Cùng với đó, Ðảng bộ thành phố đưa ra các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể như: Phát triển
hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; tập trung đầu tư,
nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị đạt từ 20 đến 25% diện tích đất đô thị, trong đó giao thông tĩnh từ 4 đến 6%. Chú trọng quy hoạch xây dựng công trình đỗ ô-tô ngầm và nổi. Sớm hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, cầu qua sông Hồng; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; tập trung các tuyến giao thông kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng để phát huy lợi thế của Thủ đô và các tuyến liên khu vực. Ưu tiên đầu tư đưa vào vận hành từ hai đến ba tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn, tốc độ cao. Ðồng thời tiếp tục tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng, rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh vận tải hành khách công cộng. Từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Hà, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố là căn cứ quan trọng để ngành giao thông tập trung triển khai. Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố tập trung giải quyết một số yêu cầu về đầu tư để hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông nhằm kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh cũng như kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương thuộc vùng Thủ đô, trong đó gồm: Tuyến đường hướng tâm: quốc lộ (QL) 1A, QL 3, QL 6, QL 21, QL 21B; các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía nam...; các đường Vành đai 3, Vành đai 3,5, đường Vành đai 4, Vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông: cầu Tứ Liên; cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5); cầu Ðuống 2 (trên QL 1A cũ)…

Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải tham mưu để thành phố đẩy mạnh đầu tư mạng lưới giao thông của năm huyện theo đề án lên quận; từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối cho các địa phương còn khó khăn về giao thông... Cùng với đó là việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Ðông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai...

Để cụ thể hóa được các mục tiêu nêu trên, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Ông Vũ Hà cho rằng, cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình; tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý đầu tư tốt để chủ động trong đầu tư. Cùng với đó, rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị và các quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT để chủ động triển khai lập quy hoạch tổ chức đấu giá tạo nguồn thu theo đúng quy định. Phát huy, tận dụng cao nhất nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho các địa phương (quận, huyện, thị xã) chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mở mới để tạo nguồn vốn tái đầu tư cho giao thông của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá tạo nguồn thu, cũng như tạo mặt bằng phục vụ thi công, để các dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng đề ra.

Quốc Toản

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tap-trung-nguon-luc-phat-trien-ha-tang-giao-thong--622990/