Tập trung phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội

Theo UBND huyện Cao Lãnh, giai đoạn 2026 - 2030, huyện Cao Lãnh phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 110 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2030 đạt 400 tỷ đồng; có 75% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp; có ít nhất 18 mô hình kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp công nghệ cao, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 95%...

Huyện Cao Lãnh tập trung phát triển bền vững ngành hàng xoài theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Huyện Cao Lãnh tập trung phát triển bền vững ngành hàng xoài theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Để đạt được những kết quả đề ra, huyện Cao Lãnh tiếp tục triển khai phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững với các sản phẩm trọng tâm là lúa gạo, trái cây và thủy sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với phát huy lợi thế cạnh tranh. Tận dụng điều kiện phát triển hợp lý các cây trồng tiềm năng, mở rộng quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng của huyện sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao và theo nhu cầu thị trường; triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn tăng trưởng xanh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2030 có 75% diện tích tham gia Đề án, có trên 90% diện tích sử dụng lúa chất lượng cao. Phát triển ngành hàng xoài, sầu riêng, chanh theo hướng có giá trị gia tăng cao, mang thương hiệu của huyện.

Huyện phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng tập trung. Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị giúp giảm chi phí trung gian, tăng hiệu quả sản xuất; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Tiếp tục triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh và một số sản phẩm khác, thực hiện số hóa vùng trồng. Mặt khác, khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống chịu cao với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác phối hợp chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Ngoài ra, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Giai đoạn 2026 - 2030, huyện phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm mới được công nhận xếp hạng từ 3 sao trở lên; có ít nhất trên 50% sản phẩm đến hạn đủ điều kiện được công nhận lại...

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tap-trung-phat-huy-loi-the-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-127303.aspx