Tập trung phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả các hợp tác xã
Những năm qua, cùng với các tỉnh thành trong cả nước, Bình Thuận đã và đang tập trung phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX ), trong đó chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp. Một trong những mục tiêu là hoạt động hiệu quả gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nâng cao hiệu quả hoạt động HTX
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, đến nay toàn tỉnh có 167 hợp tác xã nông nghiệp (gồm 145 HTX đang hoạt động và 22 HTX ngưng hoạt động) và 191 trang trại (88 trang trại trồng trọt, 85 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại nuôi trồng thủy sản và 10 trang trại tổng hợp). Hoạt động kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và HTX đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi, tập trung phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Có thể kể đến, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia tọa đàm để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển HTX. Cùng với đó, rà soát, khảo sát thực trạng năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trong sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại nông sản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, phối hợp với Quỹ Thiện tâm khảo sát lựa chọn và hỗ trợ 4 HTX (tối đa 1 tỷ đồng/HTX) để xây dựng mô hình HTX, THT liên kết với các hộ cận nghèo theo chương trình hợp tác “Xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới”. Các HTX được hưởng lợi là HTX dịch vụ - nông nghiệp Phong Phú (huyện Tuy Phong), HTX Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Long Điền 1 (huyện Tuy Phong), HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam), HTX Nuôi trồng thủy sản Tân Trà (huyện Đức Linh). Các HTX này được hỗ trợ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, vật tư nông nghiệp cho HTX, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phát triển HTX gắn với hỗ trợ, tạo công việc cho hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội. Cùng với đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức các lớp tập huấn Chương trình bồi dưỡng phát triển hợp tác xã gắn du lịch nông nghiệp, nhận diện cơ hội phát triển du dịch nông thôn năm 2024…
Khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định là 1 trong 3 khâu đột phá. Do đó, tỉnh đã ban hành nhiều đề án và các nghị quyết để thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đơn cử có thể nhắc đến Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy (khóa 14) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
Trong đó, có việc đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh Bình Thuận cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó có hoạt động của các tổ hợp tác, HTX còn nhiều khó khăn. Đó là thị trường giá cả không ổn định, sản xuất còn manh mún, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu... Với những khó khăn này, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của nông dân, từng tổ hợp tác, HTX, và cần sự chung tay, góp sức, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị… để tập trung phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả các hợp tác xã.
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, theo kế hoạch đến năm 2025, Bình Thuận có khoảng 170 hợp tác xã và khoảng 192 trang trại. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai đề án hoàn thiện mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2025 trên địa bàn tỉnh.