Tập trung phát triển kinh tế trọng tâm, đúng hướng

Thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Trà Vinh, về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2023, ngay đầu năm 2023, với sự điều hành của UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các địa phương và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện trong 04 tháng đầu năm 2023, một số lĩnh vực đạt cao hơn so với cùng kỳ và so với chỉ tiêu năm 2023, nhưng, một số lĩnh vực vẫn gặp khó khăn…

Ghe chở dừa của người dân Trà Vinh sang tỉnh Bến Tre tiêu thụ.

Ghe chở dừa của người dân Trà Vinh sang tỉnh Bến Tre tiêu thụ.

Trong 04 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh một số lĩnh vực chuyển biến tích cực: thu ngân sách đạt 7.218 tỷ đồng, đạt 56% dự toán, tăng 59,85% so với cùng kỳ; tổng vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt 46.650 tỷ đồng, tăng 3,92% so với cuối năm 2022; tổng dư nợ cho vay đạt 40.100 tỷ đồng, tăng 4,16% so với cuối năm 2022;

Các ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến chế tạo, cung cấp nước phát triển ổn định so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 18.642 tỷ đồng, đạt 35,5% so kế hoạch, tăng 43% so cùng kỳ. Đầu năm đến nay thành lập mới 175/520 doanh nghiệp (DN); đăng ký giao dịch qua mạng đạt 100% tổng số hồ sơ… tuy nhiên, một số lĩnh vực giảm.

Theo đồng chí Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, công nghiệp sản xuất và phân phối điện 04 tháng đầu năm 2023 giảm sâu. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 32,3%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.097 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm, kéo theo giảm toàn ngành; các nhà máy nhiệt điện hoạt động không hết công suất (quý I/2023 chỉ có 02 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 duy trì vận hành phát điện, đến tháng 4 các nhà máy Nhiệt điện còn lại mới bắt đầu hoạt động).

Theo đồng chí Phạm Văn Tám, khó khăn này sẽ sớm khắc phục, thông tin từ lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, đang xin chủ trương, đưa vào vận hành thêm, khi nhu cầu điện sử dụng và sinh hoạt trên phạm vi cả nước tăng.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong 04 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, giá vật tư nông nghiệp ở mức cao, giá hàng hóa nông sản thiếu ổn định, giá sản phẩm đầu ra giảm; phòng, chống dịch tả heo châu Phi tuy tập trung, quyết liệt nhưng tiềm ẩn tái bệnh vẫn còn cao; năng suất lúa, sản lượng thủy sản thấp hơn cùng kỳ. Từ đó, thu nhập bình quân của người dân/hộ giảm so với cùng kỳ.

Nói về giảm thu nhập của người dân giảm, ông Nguyễn Vũ Cường, ngụ ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long cho biết: gia đình có 0,5ha dừa, bình quân mỗi tháng thu hoạch gần 1.200 trái, với giá dừa chỉ 35.000 - 40.000 đồng/chục (12 trái), thu nhập chỉ 3,5 - 04 triệu đồng/tháng, so với cùng kỳ thu nhập giảm 50%. Do vậy, từ khi giá dừa giảm (tháng 7/2022 đến nay), mỗi tháng thu hoạch, ông Cường phối hợp với mua thêm dừa trái của người thân, vận chuyển sang thị trường Bến Tre bán, để tăng thêm từ 5.000 - 7.000 đồng/chục.

Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: nông nghiệp trong 04 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhưng nông dân đã tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất lúa; nên sản lượng gần 400.000 tấn, năng suất bình quân 6,68 tấn/ha. Về thủy sản, sản lượng đạt 48.153 tấn, đạt 19,68% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 8.594 tấn). Trong đó, nuôi trồng đạt 33.278 tấn, khai thác 14.856 tấn. Thời điểm đầu vụ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn ảnh hưởng đến sức đề kháng làm phát sinh bệnh trên tôm nuôi, ước thiệt hại khoảng 35 triệu con tôm sú trên diện tích 202ha (tỷ lệ thiệt hại 05%) và 189 triệu con tôm thẻ chân trắng (tỷ lệ thiệt hại 08%).

Để đạt chỉ tiêu nông nghiệp năm 2023, đồng chí Trần Trường Giang cho biết: hiện ngành đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để dịch tả heo châu Phi tái phát; theo dõi địa bàn, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi thủy sản ở các vùng trọng điểm; khuyến khích phát triển khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển.

Khẳng định sự nỗ lực hoàn thành các “chỉ tiêu khó”, đồng chí Lê Minh Tân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: những năm qua, mặc dù nỗ lực từ các cấp, các ngành, các địa phương, nhưng chỉ tiêu về đô thị hóa cứ “non” hơn so với nghị quyết năm. Năm 2023, Nghị quyết của HĐND tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu đô thị hóa đạt 31,1%. Với chỉ tiêu này, năm nay sẽ vượt so với Nghị quyết; vì Sở Xây dựng, các ngành liên quan đang hoàn thành các tiêu chí đô thị chợ xã Tân An, huyện Càng Long đạt chuẩn đô thị loại 5.

Với những kết quả đạt được về kinh tế của 04 tháng đầu năm 2023, căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, tại hội nghị sơ kết tháng 4/2023, đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung phát triển kinh tế trọng tâm, đúng hướng; các cấp, các ngành, các địa phương đánh giá, phân tích, dự báo chính xác các “chỉ tiêu khó” để triển khai đồng loạt các giải pháp. Trong đó, các sở, ngành cần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hỗ trợ DN, HTX cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Bài, ảnh:TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tap-trung-phat-trien-kinh-te-trong-tam-dung-huong-28680.html